Công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022; đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật.
“Điểm mặt” những khó khăn
Trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuyển sinh đại học năm 2022 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại nhất định. Do đó cần có giải pháp hữu hiệu trong năm 2023. Theo đó, một trong những khó khăn đó là, một số cơ sở đào tạo (CSĐT) đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Gần 100 nghìn thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Một số CSĐT xét tuyển bổ sung nhưng không báo cáo kết quả lên Hệ thống theo quy định. Một số CSĐT xét tuyển sớm chưa hiệu quả.
Các CSĐT tuyển kém chủ yếu là các trường tư thục chưa có đủ uy tín, thương hiệu mạnh và một số trường công lập, phân hiệu trường công lập không có lợi thế về địa điểm hoặc lĩnh vực đào tạo. Trừ một số trường hợp loại lệ, phần lớn CSĐT tuyển kém trong đợt 1 năm 2022 này cũng tuyển kém trong 2 năm gần đây.
Danh sách ngành tuyển kém có sự thay đổi hàng năm, nhưng chủ yếu là những ngành hẹp hoặc ngành mới thí điểm đào tạo với chỉ tiêu thấp và ít nơi đào tạo. Một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước, có quy mô tuyển sinh lớn hơn nhưng cũng luôn đạt chỉ tiêu rất thấp.
Nhiều CSĐT nếu không nhận biết kịp xu hướng này và có điều chỉnh kịp thời và phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình đào tạo, môi trường và phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh, sẽ không thu hút được thí sinh vào trường.
Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới. Nhiều ngành đào tạo truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền KT-XH của đất nước nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp của NN để thu hút người học.
Điều kiện kinh tế của nhiều gia đình, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, các vùng có điều kiện khó khăn, đã hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục đại học của một bộ phận học sinh. Trong khi hỗ trợ từ ngân sách nhà nước giảm dần, hầu hết các CSĐT có uy tín đều ở các thành phố lớn, đầu tư nhiều cho chất lượng đào tạo đều phải tăng dần mức học phí để bù đắp chi phí.
|
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2022. Ảnh: TG |
Cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh
Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn các CSĐT hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.
Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyển sinh, đại diện Vụ giáo dục đại học nhấn mạnh, sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch trong tuyển sinh buộc các CSĐT phải nỗ lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo.
Qua đó, giúp toàn hệ thống giáo dục đại học loại bỏ những CSĐT, ngành đào tạo yếu kém, nâng cao chất lượng tuyển sinh và qua đó chất lượng đào tạo đại học.
Về phía Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện quy định về danh mục ngành, mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tăng cường kiểm tra, giám sát các CSĐT về thẩm quyền và các điều kiện khi mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nhất là về các điều kiện bảo đảm chất lượng; xử lý nghiêm các CSĐT tuyển sinh vượt năng lực, vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Đồng thời, hoàn thiện quy chế tuyển sinh, các phương thức tuyển sinh và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cho toàn hệ thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo ra sự chuyển biến lớn và từng bước ổn định công tác tuyển sinh đại học trong thời gian 5-6 năm trở lại đây.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tư vấn ngành nghề, tư vấn tuyển sinh cho học sinh phổ thông, đặc biệt chú trọng truyền thông về cơ hội việc làm và triển vọng phát triển nghề nghiệp đối với những ngành nghề khó tuyển sinh nhưng thiết yếu đối với sự phát triển của đất nước.
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng, trình Thủ tướng ban hành và triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, qua đó cải thiện rõ rệt tình hình tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên trong hai năm 2021 và 2022 vừa qua.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai các giải pháp liên quan trực tiếp tới công tác tuyển sinh đại học như: Ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; hướng dẫn các CSĐT rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.
Hoàn thiện hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung theo hướng đơn giản hóa giao diện sử dụng, tích hợp với cơ sở dữ liệu ngành và tích hợp với các hệ thống phần mềm quản lý.
Kết nối cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành với CSDL bảo hiểm xã hội để thống kê tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp; phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin định hướng cho các CSĐT về xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường lao động đối với các ngành đào tạo.
Hoàn thiện xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao. Trong đó đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ người học theo học các chương trình đào tạo trọng điểm về công nghệ cao.
Phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất cơ chế nhà nước đầu tư, đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người học đối với các ngành thiết yếu nhưng khó tuyển khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng chính sách ưu đãi tín dụng đối với sinh viên.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các CSĐT đầu tư tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển bền vững, tiếp tục tăng cường các biện pháp truyền thông, tạo lập và củng cố niềm tin của người học và xã hội. Chỉ đạo, hướng dẫn các sở GD&ĐT, các trường phổ thông đổi mới và tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh từ sớm.
|
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh minh họa/internet.
|
Liên quan đến công tác tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) – thông tin, về cơ bản, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các CSĐT và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các CSĐT rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.