Thi học sinh giỏi các môn mới, ngoài phần bắt buộc với kiến thức liên môn, thí sinh chọn một trong các mạch kiến thức để làm bài.
Điều này tạo được sự liền mạch trong việc chuyển tiếp học sinh giỏi cấp THCS và THPT cũng như tuyển sinh vào trường chuyên.
Liền mạch kiến thức giữa 2 cấp
Năm học 2024 - 2025, Chương trình GDPT 20218 triển khai cuốn chiếu với 3 lớp cuối cấp là lớp 5, 9 và 12. Một trong những vấn đề được quan tâm là thi học sinh giỏi môn tích hợp ở lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 trường chuyên. Với sự thay đổi về môn học trong Chương trình GDPT 2018, việc tổ chức thi học sinh giỏi lớp 9 và thi tuyển sinh lớp 10 THPT sẽ có sự khác biệt so với trước đây.
Ở các môn mới như Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lí, ngoài phần bắt buộc với kiến thức liên môn, thí sinh chọn một trong các mạch kiến thức để làm bài. Theo chia sẻ của cán bộ, giáo viên, điều này tạo được sự liền mạch trong việc chuyển tiếp học sinh giỏi cấp THCS và THPT; thuận lợi cho các trường THCS và học sinh trong lựa chọn và hình thành các đội tuyển cho kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và chuẩn bị nguồn lực cho trường THPT chuyên…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Sở đã dự thảo nội dung bài thi chuyên từ năm 2025; theo đó lớp chuyên Toán có môn thi/bài thi chuyên Toán; lớp chuyên Vật lí thi môn thi/bài thi chuyên KHTN 1; lớp chuyên Hóa học thi môn thi/bài thi KHTN 2; lớp chuyên Sinh học có môn thi/bài thi KHTN 3; lớp chuyên Tin học thi môn thi/bài thi Tin học; lớp chuyên Ngữ văn thi môn thi/bài thi Ngữ văn; lớp chuyên Lịch sử có môn thi/bài thi Lịch sử và Địa lí 1; lớp chuyên Địa lí thi môn thi/bài thi Lịch sử và Địa lí 2; lớp chuyên Tiếng Anh là môn thi/bài thi Tiếng Anh; lớp chuyên Tiếng Pháp có môn thi/bài thi Tiếng Pháp.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa thông tin thêm, dự thảo nội dung bài thi chuyên, các lớp chuyên Toán, Tin học, Ngữ văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp chủ yếu là lớp 9 của môn học tương ứng. Các lớp chuyên Vật lí, Hóa học, Sinh học, nội dung thi gồm hai phần: Phần chung của 3 bài thi (chiếm 20% tổng điểm bài thi) gồm kiến thức phần chung của môn KHTN.
Phần riêng (chiếm 80% tổng điểm bài thi) gồm: Bài thi KHTN 1, nội dung liên quan đến kiến thức Vật lí; Bài thi KHTN 2, nội dung liên quan đến kiến thức Hóa học; Bài thi KHTN 3, nội dung liên quan đến kiến thức Sinh học.
Đối với các lớp chuyên Lịch sử, Địa lí, theo ông Nghĩa, nội dung thi gồm hai phần: Phần chung của hai bài thi (chiếm 20% tổng điểm bài thi), nội dung của một số chủ đề mang tính tích hợp. Phần riêng (chiếm 80% tổng điểm bài thi) gồm: Bài thi Lịch sử và Địa lí 1 (nội dung của phần Lịch sử); Bài thi Lịch sử và Địa lí 2 (nội dung của phần Địa lí)…
Với kinh nghiệm 17 năm gắn bó với nghề và hơn 10 năm ôn luyện cho học sinh giỏi cấp tỉnh, ThS Huỳnh Ngọc Huy Tùng - giáo viên Trường THPT Tân Long (Hậu Giang) cho rằng: Để đảm bảo hiệu quả của dạy bồi dưỡng học sinh giỏi theo Chương trình GDPT 2018, phải hướng tới mục tiêu tích hợp để giúp học sinh làm chủ các kiến thức và giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Chủ đề liên môn là những nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học, thể hiện ở sự ứng dụng của chúng trong cùng một hiện tượng, quá trình xảy ra trong tự nhiên hay xã hội. Từ đó giúp học sinh giỏi phát triển năng lực chuyên sâu toàn diện, là điều kiện thuận lợi cho các em chọn môn học vào trường THPT, THPT chuyên hoặc tiếp tục có cơ hội được bồi dưỡng học sinh giỏi cấp THPT hay chuyên sâu vào cao đẳng, đại học sau này.
Xu thế tất yếu
Dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi theo Chương trình GDPT 2018 hướng tới mục tiêu tích hợp là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, theo ThS Huỳnh Ngọc Huy Tùng, nhiều giáo viên dạy học sinh giỏi có thể gặp khó khăn bởi mỗi người hầu như chỉ được đào tạo một chuyên ngành, có thế mạnh, dạy một bộ môn đã nhiều năm.
Giờ đây phải giảng dạy môn học mà có đến 1, 2 phân môn không thực sự am hiểu tường tận thì khó có thể đủ kiến thức sâu để dạy bồi dưỡng học sinh giỏi. Do vậy, giáo viên làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cần cố gắng nỗ lực; nhưng với những lớp học cao hơn như từ lớp 8 trở lên, điều này hiệu quả không nhiều vì chương trình nặng, đòi hỏi chuyên môn sâu…
ThS Huỳnh Ngọc Huy Tùng cho biết thêm, thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường, mỗi giáo viên dạy học sinh giỏi cần phải tích cực tham gia xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với yêu cầu kỳ thi đặt ra.
Xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh giỏi trong mỗi chủ đề; biên soạn câu hỏi, bài tập, đề thi để đánh giá năng lực của học sinh giỏi trong dạy học; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh; tổ chức dạy học để nhờ giáo viên có kinh nghiệm dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm...
Qua các hoạt động chuyên môn đó, năng lực của mỗi giáo viên trong dạy học sinh giỏi từng bước nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, trong đó dạy học tích hợp, liên môn.
Tại Bến Tre, để tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 và tuyển sinh lớp 10 THPT từ năm học 2024 - 2025 đạt hiệu quả, phù hợp quy định, sở GD&ĐT tổ chức hội nghị định hướng bồi dưỡng học sinh giỏi, thi tuyển sinh lớp 10 từ năm học 2025 - 2026 để lấy ý kiến, trao đổi những phương án dự kiến thực hiện.
Theo ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, với mục tiêu nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh và hướng đến người học, sở GD&ĐT tiếp thu các ý kiến từ giáo viên và lắng nghe phản hồi từ nhà trường để sớm xây dựng dự thảo đề cương về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2024 - 2025. Sau khi xây dựng dự thảo phương án, ngành GD-ĐT trình UBND tỉnh xin ý kiến phê duyệt để thống nhất phương án triển khai trong thời gian tới.
Theo dự kiến, môn thi học sinh giỏi sẽ thay đổi, cấp THCS có 7 môn, cấp THPT là 10 môn. Nội dung thi và cấu trúc đề thi môn KHTN, Lịch sử và Địa lí có 2 phần: Phần chung (20% điểm số) dành cho tất cả thí sinh dự thi và phần tự chọn (80% điểm số) - thí sinh tự chọn 1 trong 3 phần (đối với môn KHTN) và 1 trong 2 phần (đối với môn Lịch sử và Địa lí)…