Một trong những vấn đề được quan tâm là lựa chọn sách giáo khoa (SGK) ra sao để tránh những sai sót không đáng có.
Ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hải Phòng: Quy trình lựa chọn chắc chắn
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, việc đầu tiên để tránh những sai sót trong lựa chọn SGK là Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố thành lập các Hội đồng lựa chọn SGK (Hội đồng). Theo đó, mỗi môn học của một bậc học thành lập một Hội đồng. Số lượng thành viên 21 người; trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Các thành viên Hội đồng được các quận/huyện giới thiệu tham gia phải là giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo tiêu chuẩn.
Mỗi Hội đồng phân công nhiệm vụ, quyền hạn cho từng thành viên, đảm bảo thời gian nghiên cứu các bản SGK và hồ sơ trước ít nhất 7 ngày. Các thành viên có ý kiến bằng văn bản với từng bản SGK gửi về Hội đồng trước phiên họp bỏ phiếu lựa chọn. Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở giáo dục, tổ chức đề xuất lựa chọn SGK minh bạch, công khai, thực hiện đúng các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Mặt khác, từ đầu năm học, Sở GD&ĐT tổ chức các hội thảo tập huấn cho cán bộ quản lý phòng GD&ĐT quận/huyện, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục về quy trình tổ chức, đề xuất lựa chọn SGK. Các trường xây dựng kế hoạch lựa chọn SGK, có phân công thành viên trường tham gia từng nhiệm vụ cụ thể.
Các tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu chương trình các môn học, tiêu chí lựa chọn SGK, các văn bản, hướng dẫn liên quan đến nội dung này. Sau khi nghiên cứu, giáo viên cho ý kiến bằng văn bản nhận xét, đánh giá tính phù hợp từng đầu SGK theo môn học. Tổ chuyên môn tiến hành họp, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học. Cùng đó, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn (có chữ ký của tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn).
Hiệu trưởng các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp tổ chức họp, đề xuất lựa chọn SGK cho mỗi môn học; lập danh mục SGK do nhà trường đề xuất lựa chọn rồi báo cáo về phòng GD&ĐT và sở GD&ĐT.
Các phòng GD&ĐT tiến hành tổng hợp danh mục SGK được các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý đề xuất theo hướng dẫn, báo cáo sở GD&ĐT về kết quả chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Các báo cáo và danh mục SGK của phòng GD&ĐT được niêm phong, gửi về sở GD&ĐT đúng quy định và thời hạn.
Sở GD&ĐT tiếp nhận báo cáo của các phòng GD&ĐT và các trường trực thuộc, trên cơ sở đó tổng hợp danh mục đề xuất lựa chọn SGK. Kết quả tổng hợp được sắp xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp, theo từng môn học, chuyển giao cho Chủ tịch các Hội đồng lựa chọn SGK của UBND thành phố.
Hội đồng lựa chọn SGK thành phố làm việc đảm bảo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của cơ sở giáo dục. Chủ tịch Hội đồng giao cho các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất 7 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng. Sau đó, Hội đồng tiến hành thảo luận, đánh giá trên cơ sở danh mục SGK các trường phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số SGK cho mỗi môn học. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn SGK thành biên bản (có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp) chuyển giao sở GD&ĐT.
Danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt phải được đăng tải công khai. Các nhà trường thông báo danh mục SGK được UBND thành phố phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh.
|
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) nghiên cứu Chương trình các môn học và hoạt động giáo dục lớp 4. Ảnh: NVCC
|
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang): Cần khoa học, tôn trọng ý kiến giáo viên
Việc đánh giá, lựa chọn SGK cần dựa trên hai phương diện: Về phương diện khoa học do hội đồng thẩm định quyết định. Nhưng việc xem xét có đồng ý hay không do giáo viên đang trực tiếp giảng dạy quyết định. Hai yếu tố cơ bản này khó tương đồng với nhau nên cần công bố đánh giá của hội đồng thẩm định với từng cuốn sách.
Tinh thần chung, nên đảm bảo sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói người trực tiếp dạy học. Trong quá trình lựa chọn và dạy học SGK, nếu phát hiện vấn đề, các cơ sở giáo dục, giáo viên cần chủ động và sớm có ý kiến về cơ quan quản lý giáo dục. Như vậy sẽ tránh được những sai sót không đáng có trong quá trình chọn SGK.
Điều quan trọng khác, chọn SGK phải được thực hiện minh bạch, khách quan; bảo đảm công bằng trong tiếp cận các bộ sách. UBND cấp tỉnh, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm để lựa chọn SGK theo đúng tinh thần Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Tất cả các thành viên Hội đồng đều có ý kiến nhận định đánh giá với cuốn sách. Hội đồng sẽ bỏ phiếu kín. Cuốn sách nào có 50% số thành viên Hội đồng bỏ phiếu nhất trí lựa chọn sẽ được đưa vào danh mục để Hội đồng thành phố lựa chọn.
Mặt khác, các cơ sở giáo dục phổ thông cần phát huy vai trò của đại diện cha mẹ học sinh, lắng nghe ý kiến phía phụ huynh trong lựa chọn SGK bởi hàng ngày họ phối hợp với giáo viên giảng dạy, kèm cặp, hướng dẫn con học tập.
Thầy Đỗ Hồng Duy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định): Giáo viên hiểu đúng triết lý từng bộ sách
Nhà trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo viên, tổ chuyên môn trong việc đề xuất lựa chọn. Trong đó, việc đọc sách, đối chiếu chương trình, so sánh các bộ sách sẽ giúp giáo viên hiểu rõ hơn về chương trình, ý tưởng thiết kế chủ đề học tập, tìm ra những điểm phù hợp từng bộ sách… từ đó đề xuất với cấp trên.
Đây là lần thứ tư nhà trường chỉ đạo, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chọn SGK nên không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Ban giám hiệu vẫn chỉ đạo chặt chẽ để giáo viên hiểu đúng triết lý từng bộ sách. Từ đó, đề xuất đúng và trúng nguyện vọng của cơ sở.
Năm học trước, công tác tập huấn, tổ chức và đề xuất lựa chọn được trường triển khai bài bản, đúng quy trình nên các cuốn sách của các môn học khá ổn định, có sự kế thừa. Song thực tế vẫn có thể sẽ nảy sinh khó khăn khi thực hiện nên nhà trường tiếp tục chỉ đạo giáo viên, tổ chuyên môn chủ động, linh hoạt bám sát chương trình để xây dựng chủ đề học tập, lựa chọn nội dung sát với trình độ học của học sinh và tình hình thực tiễn nhà trường.
“Thực tế cho thấy, địa phương nào thực hiện đúng các bước, quy trình và nguyên tắc; đồng thời bám sát những kinh nghiệm tốt đã có thì việc lựa chọn SGK sẽ đạt hiệu quả, chất lượng, không xảy ra sai sót…”. - Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao.