Dù trở lại dạy – học trực tiếp nhưng nhiều trường học vẫn duy trì việc bổ sung tài liệu dạy học, bài giảng để xây dựng kho học liệu số.
Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh được ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh là nền tảng để xây dựng nền giáo dục số.
“Số hóa” từng bài học
Bài giảng điện tử Virus, môn Khoa học tự nhiên lớp 6 của cô Tôn Lê Phương Dung, Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã vượt qua gần 43.000 sản phẩm khác, đạt một trong 12 giải Nhất ở Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E–learning cấp quốc gia năm học 2021 – 2022 do Bộ GD&ĐT phát động. Ưu điểm của bài giảng điện tử Virus là dễ hình dung, dễ nhớ, kiến thức gần gũi, cô đọng nhờ các hình ảnh minh họa sống động, dễ hiểu.
Trước khi “dựng” bài giảng điện tử, cô Phương Dung tranh thủ sau giờ dạy online, tìm hiểu thêm về cách thiết kế, xây dựng, từ phần mềm ứng dụng cho đến cách tổ chức nội dung, bài tập đi kèm… “Đây là bài học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu bài học có một số điểm khác biệt so với chương trình cũ. Vì vậy, tư liệu tham khảo không có nhiều”, cô Dung kể.
Từ mục tiêu, kế hoạch bài giảng, cô Phương Dung xây dựng đề cương cho bài giảng E-learning theo tiêu chí đúng, đủ kiến thức, vừa tinh gọn, dễ hiểu, sinh động trong cách thể hiện, trình bày. Điểm nhấn trong các phần của bài Virus là hệ thống câu hỏi mở để học sinh có thể trình bày suy nghĩ, cảm nhận của mình về nội dung bài học. Cùng với bài giảng điện tử khác, bài giảng Virus của cô Tôn Lê Phương Dung đã được cập nhật trên hệ thống, trở thành tài liệu để đội ngũ nhà giáo trên cả nước có thể sử dụng, tham khảo khi giảng dạy.
Ngành GD-ĐT Đà Nẵng trong năm học 2021 – 2022 đã có gần 2.820 thầy, cô giáo tham gia dự Cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp thành phố, trong đó có 2.003 bài đoạt giải với 528 giải Nhất. Các sản phẩm đoạt giải cao được Sở GD&ĐT Đà Nẵng đưa lên kho học liệu số để giáo viên, học sinh có thể tham khảo. Đặc biệt, nhiều thầy cô đã chọn thiết kế bài giảng thuộc Chương trình – sách giáo khoa mới để dự thi, góp phần làm giàu cho kho học liệu số của Chương trình GDPT 2018.
“Với Chương trình GDPT 2018, do thay đổi công nghệ phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, do vậy, chúng tôi mới xây dựng bài giảng E-learning ở một số môn học, bài học cụ thể. Giáo viên cũng cần thời gian để “thẩm thấu” hết chương trình mới. Vì vậy, nhà trường chỉ yêu cầu thiết kế bài giảng bằng slide và tải lên website cho học sinh tham khảo sau buổi học”, thầy Phạm Sĩ Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
Tương tự, Trường THPT Quang Trung (Đà Nẵng) dạy học hoàn toàn trên lớp bằng bài giảng điện tử E-learning, số hóa 33 bộ sách giáo khoa giấy thành 33 bộ sách giáo khoa điện tử của lớp 10, 11 và 12.
Các trường THCS ở quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đều xây dựng kho học liệu số trên website. Trường THCS Chu Văn An dù dạy trực tiếp hay trực tuyến đều yêu cầu giáo viên chuyển bài giảng thành video và tải lên kho học liệu sau mỗi tiết dạy hoặc chậm nhất là vào cuối tuần. Học sinh vì vậy có cơ hội được học mỗi bài ít nhất là 2 lần, dù học trực tiếp hay trực tuyến.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hoàng Chinh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, phần lớn các trường đang sử dụng phần mềm miễn phí nên hạn chế về dung lượng và cũng chỉ sử dụng được trong nội bộ. Các trường trong cùng bậc học không dùng chung được nếu không cùng phần mềm.
Xây dựng hệ sinh thái giáo dục số
Giáo dục đào tạo là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Theo Quyết định số 749, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chuyển đổi số là điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0.
|
Đại diện Bộ GD&ĐT, Microsoft Việt Nam và các sở GD&ĐT, trường đại học bấm nút phát động Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Giáo dục Việt Nam trên nền tảng công nghệ thông tin 2022 – 2023.
|
Cụ thể, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Cô Phạm Thị Ái Vân, giáo viên Địa lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), cho rằng, chuyển đổi số đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng nhiều yêu cầu về chuyên môn sâu, kỹ năng công nghệ, tìm tòi ứng dụng, sáng tạo trong dạy học. Nhiều năm liền xây dựng tiết học, chuyên đề có ứng dụng công nghệ để làm mới những bài giảng của mình như Plicker, Classpoint, Canva, QR code, video tương tác…, ngoài ý tưởng sáng tạo, theo cô Vân, giáo viên phải hướng dẫn được cho học sinh cộng tác online với nhau để hoàn thành các dự án học tập.
“Triển khai chuyển đổi số trong dạy học đòi hỏi nỗ lực ở cả giáo viên và hậu thuẫn cơ sở vật chất, chính sách của nhà trường. Giáo viên phải thông thạo các phần mềm để giúp học sinh thiết kế và khai thác những tri thức mới trong học tập. Trường học cần đầu tư về thiết bị, cơ sở vật chất, hạ tầng… mới đạt hiệu quả tốt”, cô Vân chia sẻ.
Trong một nỗ lực khác, Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê đang xây dựng kế hoạch mua phần mềm có bản quyền để trường học trên địa bàn có sự thống nhất khi xây dựng kho học liệu số. “Với cách làm này, giáo viên có thể cập nhật, chỉnh sửa nội dung bài giảng qua từng năm học theo yêu cầu thực tế, như bổ sung nội dung mới, lược bỏ các nội dung được tinh giản… Trường học cùng bậc học có thể sử dụng hoặc tham khảo bài giảng điện tử của nhau trên website của các trường. Hơn thế, đây sẽ là nền tảng để phòng xây dựng ngân hàng đề dùng chung trong toàn quận”, bà Lê Thị Hoàng Chinh thông tin.
Những sản phẩm, kinh nghiệm có được của giáo viên – học sinh hình thành từ không gian dạy học trực tuyến vẫn được duy trì bằng một cách nào đó, như mô hình lớp học đảo ngược. Giáo viên chuyển nội dung bài học thông qua nhóm học tập như Zalo, MS Team… để học sinh tìm hiểu, nghiên cứu trước. Một tiết học vì vậy có thể kéo dài hơn 45 phút thời gian tuyến tính tại trường. Giáo viên có thể giao bài tập, kiểm tra kết quả bài làm trực tuyến…”, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, nhấn mạnh.