Trong tâm trí cô Phan Thị Lục, quãng thời gian hơn 16 năm cắm bản tại Trường Tiểu học Hồng Thu (Sìn Hồ, Lai Châu) vô cùng đáng nhớ với bao kỷ niệm.
Cõng bàn ghế vượt đường xa
Sự việc cô giáo Mai Thị Yến - giáo viên cắm bản tại Trường Mầm non xã Đường Thượng (Yên Minh, Hà Giang) qua đời ngày 3/5 vì bị rơi xuống vực sâu khi cô cùng với chồng - cũng là giáo viên và con nhỏ trở lại điểm trường sau kỳ nghỉ lễ 1/5 khiến nhiều người vô cùng xót xa, thương tiếc. Được biết, cô Yến quê ở huyện Bắc Quang (Hà Giang) tình nguyện lên điểm trường khó khăn tại huyện Yên Minh để cắm bản và dạy học từ năm 2010 cho đến nay.
Từng gắn bó 16 năm tại Trường Tiểu học Hồng Thu (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) từ năm 2003 đến năm 2019, cô Phan Thị Lục thấu hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả, thiệt thòi của giáo viên cắm bản vùng cao. Lúc đó, trường có tổng số 6 điểm trường gồm 1 điểm trung tâm và 5 điểm lẻ ở các bản xa. Khoảng cách giữa các điểm xa nhất lên tới gần 20km. 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
|
Buổi tối ôn bài dành cho học sinh bán trú tại Trường Tiểu học Hồng Thu (Sìn Hồ, Lai Châu).
|
"Với giáo viên cắm bản như chúng tôi thì tình yêu thương học trò là động lực lớn nhất để cống hiến với nghề, quyết tâm bám trường, bám lớp, đưa con chữ tới từng bản làng. Có kỷ niệm đáng nhớ với tôi là ngay sau khai giảng năm học 2017-2018 được vài hôm, do điểm lẻ ở bản xa có ít học sinh, nhà trường đã huy động giáo viên vận chuyển bàn ghế tới điểm trường trung tâm. Tôi và các đồng nghiệp đã cõng trên vai những bộ bàn ghế vượt qua còn đường dài gần 15km với những con dốc trơn trượt, con suối, đèo núi để học trò có bàn ghế học" - cô Lục tâm sự.
Nữ giáo viên kể thêm, dù mệt nhưng lúc ấy mọi người đều cảm thấy rất vui vẻ và động viên nhau cùng vượt núi, băng đèo đưa bàn ghế lên trường cho học sinh. Khi những hình ảnh này được đăng tải lên mạng xã hội, cộng đồng mạng đã bày tỏ lòng cảm phục vì tinh thần vượt khó, cống hiến và yêu nghề của các giáo viên vùng cao.
Ngoài ra, cô Lục cũng cho hay, so với nhiều nơi khác thì điểm trường trung tâm của Trường Tiểu học Hồng Thu có đầy đủ điều kiện hơn. Địa phương và nhà trường đã phối hợp xây dựng mô hình nuôi ăn bán trú cho học sinh, tập trung các em từ các điểm lẻ về trường trung tâm để có điều kiện dạy và học tốt hơn.
Tất cả vì học trò
|
Cô Tẩn Mí Giao (trái) và cô Phan Thị Lục cùng nhau cõng bàn ghế cho học sinh hồi năm 2017.
|
Cũng là giáo viên cắm bản tại Trường Tiểu học Hồng Thu 11 năm (từ năm 2011 tới 2022), cô giáo Tẩn Mí Giao tâm sự, mình đã ở vùng cao này tuy đời sống còn nhiều thiếu thốn nhưng tình yêu nghề, yêu học trò luôn cháy mãi trong cô. Với trẻ vùng cao, các em không có nhiều điều kiện tốt như trẻ dưới xuôi hay khu vực thành thị. Các thầy cô nhiều khi phải tới nhà vận động để các em tới lớp học chữ.
"Hôm vận chuyển bàn ghế cho các em học sinh trời đổ mưa rất to. Chúng tôi phải chân đi ủng, mang theo cả áo mưa, quần áo khô rồi người thì cõng, gánh hay vác cả bàn ghế lên vai và băng rừng. Đoạn đường từ bản Pa Cha Ô ra được đường lớn mà ô tô có thể đi mất khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bộ.
Khi hình ảnh này xuất hiện trên mạng, rất nhiều người đã đồng cảm và dành lời động viên khiến chúng tôi cũng thấy có thêm động lực. Bởi chỉ có những người gắn bó với nơi đây, ngắm những ánh mắt trong veo của lũ trẻ vùng cao mới thấy yêu nghề của mình đến như thế nào, bất chấp mọi khó khăn vất vả" - cô Tẩn Mí Giao chia sẻ thêm.
Dù hiện giờ không còn phải cắm bản vì đã được chuyển công tác tới một trường khác trên địa bàn TP Lai Châu, cô Phan Thị Lục bày tỏ mong muốn lãnh đạo các cấp cần tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế, thu nhập cho giáo viên vùng cao - những người đã dành cả tuổi thanh xuân gắn bó với bản làng xa xôi để "gieo chữ" cho học trò. Đồng thời, Nhà nước cũng nên tính toán để hạ tuổi nghỉ hưu cho đội ngũ giáo viên cắm bản. Có như vậy, các thầy cô mới yên tâm công tác và gắn bó với nghề.