Thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ ngay từ ban đầu; học sinh không được dạy cách giải tỏa cảm xúc sẽ là cơ hội đưa các em tới sự vô cảm.
Khi im lặng không phải... là vàng
Là học sinh lớp 10 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Phan Phương Nga, Bùi Văn Độ đều cho rằng, bạo lực học đường có thể xảy ra với bất cứ ai ở bất cứ độ tuổi nào. Từ khi học tiểu học đến nay, các em một vài lần bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bắt nạt. Tuy nhiên, với những câu chuyện bạn bè chê bai, nói xấu sau lưng hay dọa đánh, các em thường tìm đến thầy cô giáo để phản ánh và nhờ can thiệp.
"Hồi nhỏ em bị một nhóm bạn nữ nói xấu và chê bai về cơ thể của mình (body shaming). Bỏ ngoài tai những lời dè bỉu đó, em chú tâm vào học để đạt kết quả vượt trội trong lớp. Khi lên lớp 10, em thấy cách làm của mình hiệu quả hơn nhiều so với việc cố gắng chạy theo để giải thích những lời nói thiếu căn cứ của nhóm bạn đó với mọi người", Đoàn Huyền Anh, học sinh lớp 10A8 tâm sự.
|
Học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
|
Cũng từng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường khi bị bạn nhắn tin xúc phạm danh dự và đe dọa đánh, Minh Hằng (tên nhân vật đã được thay đổi - SN 2004), trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) ban đầu lựa chọn giải pháp im lặng. Tuy nhiên, vì bạn liên tục "khủng bố" bằng tin nhắn Facebook lẫn Zalo, nữ sinh phải khóa tài khoản mạng xã hội, thay sim mới.
"Đó là giai đoạn em muốn quên đi. Trải qua 3 năm THPT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chúng em phải học trực tuyến trong thời gian dài nên bạn bè tiếp xúc trực tiếp bị hạn chế. Với vai trò cán bộ lớp, chỉ cần chậm theo dõi hay trả lời tin nhắn trên nhóm Zalo lớp là đã bị bạn xúc phạm danh dự, dọa đánh. Lúc đó em chỉ tập trung vào việc học để ôn thi THPT nên khi đi học trực tiếp trở lại, em mới nói chuyện này với bố mẹ và sự việc sau đó đã được giải quyết. Vì thế, khi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, chúng ta nên bình tĩnh và mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ, thầy cô để nhờ giải quyết chứ đừng im lặng", Minh Hằng nói.
|
Bạo lực học đường xuất hiện dưới nhiều hình thức, Phụ huynh có thể nhận biết con bị bắt nạt hoặc là kẻ bắt nạt qua một số dấu hiệu sau. (Nguồn: GD&TĐ) |
Đợt cắm trại nhân dịp 26/3 vừa qua, Hải Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), học sinh Trường THCS tại Gio Linh (Quảng Trị) bị một nam sinh lớp dưới đánh chảy máu mũi, dập môi. Khi phụ huynh đến trường tìm hiểu sự việc thì thầy cô giáo lại đẩy câu chuyện sang một hướng khác. Nam kể: “Thầy cô giáo bảo tuy em bị đánh trước nhưng em cũng không vừa. Sau đó kể một loạt vi phạm của em như đi học lười chép bài, không bỏ áo vào quần… Em thấy rất tủi thân. Chuyện gì ra chuyện đấy chứ ạ. Em đang là người bị thiệt thòi thì lại trở thành người có lỗi”.
Một thời gian ngắn sau đó, phụ huynh của một bạn nữ cùng lớp gọi điện phản ánh với cô giáo về việc Nam đánh con mình. Nam cho biết: “Bạn nữ dùng đầu nhọn của compa đâm vào lưng em nhiều lần, rất đau. Em bảo đừng nhưng bạn vẫn tiếp tục đâm. Em đứng dậy đẩy bạn qua một bên để ra khỏi chỗ ngồi nhưng bạn nghĩ em sẽ đánh bạn nên bạn lấy tay cào vào cổ em. Em nghĩ là em chỉ tự vệ thôi và em không hề đánh bạn. Nhưng cô giáo bảo với mẹ em nếu phụ huynh của bạn nữ lên trường phản ảnh với nhà trường thì em phải chịu trách nhiệm. Em chỉ mong thầy cô lắng nghe và tin tưởng chúng em hơn trong những câu chuyện cụ thể”.
Kiên trì để không buông tay
Nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, thầy Nguyễn Đình Hòa, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) từng tiếp nhận một số trường hợp học sinh xin chuyển lớp.
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, với độ tuổi học sinh, nhiều em và có thể một em nhiều lần rơi vào khủng hoảng, khó khăn về tinh thần. Nguyên nhân do phải đối diện với khó khăn trong đời sống gia đình, hiểu lầm trong tình bạn hay sụp đổ trước những mối quan hệ tưởng chừng tốt đẹp... Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng phát hiện ra điều đó, bởi nhiệm vụ chính của giáo viên chủ yếu là dạy kiến thức bộ môn. Và không phải giáo viên nào cũng được học sinh chọn làm người tâm sự.
“Tôi hay ví von mình như cái thùng rác khi được nhiều em trút hết nỗi buồn phiền, cay đắng trong cuộc sống. Tôi chọn phương án lắng nghe rồi giấu kín trong lòng, khi đó các em mới tin tưởng. Sau đó tìm lời an ủi và khuyên các em. Việc này phải nương theo tâm trạng, tính cách của từng em để có lời khuyên phù hợp chứ không phải trường hợp nào giống trường hợp nào. Tôi ưu tiên giúp các em không gục ngã rồi mới tìm cách nhận thức và chấp nhận vấn đề sau. Chỉ cần các em đứng lên sau vấp ngã là tốt rồi; cuộc đời sẽ dạy trẻ nhiều điều tốt hơn chúng ta tưởng”, thầy Hòa chia sẻ.
|
Thầy Nguyễn Đình Hòa trở thành chỗ dựa tinh thần của học sinh lớp 12A6, lớp thầy đang chủ nhiệm.
|
Từ kinh nghiệm bản thân, thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng, cần có kỷ luật trong trường học. Khi thầy cô đã giáo dục, sử dụng nhiều biện pháp, phối hợp với Đoàn thanh niên, phụ huynh... mà các em không thay đổi thì có thể sử dụng mức kỷ luật cao nhất mà Bộ GD&ĐT cho phép: Đình chỉ học có thời hạn. Đây là biện pháp cuối cùng sau khi các giải pháp giáo dục, cảm hóa không có tác dụng.
“Bởi nếu để một học sinh cá biệt trong lớp sẽ ảnh hưởng đến quyền được học của các bạn còn lại. Thời gian đình chỉ này giao học sinh cho gia đình quản lý, nếu có được sự phối hợp của chính quyền địa phương sẽ tốt hơn nhiều. Khi đó, học sinh phải suy nghĩ về quyền được học của mình như của các bạn khác. Nhưng bên cạnh quyền được học, em còn phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình, bạn học, trường lớp và với cả xã hội. Khi em thấy không thể hoặc không cần thiết phải học thêm văn hóa ở trường phổ thông, chúng ta nên tạo điều kiện cho em học nghề để có thể kiếm sống lương thiện, tạo ra sản phẩm cho xã hội” – thầy Hòa gợi ý.
Thầy Nguyễn Minh Hùng, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trong một diễn đàn nói về bạo lực học đường, đã cho rằng, xét ở một góc độ khác, đứa trẻ đang hành hung bạn là đáng lên án, đáng trách, nhưng nó cũng là một kiểu “nạn nhân” để chúng ta phải suy nghĩ. Trong nhiều trường hợp, đứa trẻ dù có cha mẹ, thầy cô, bạn bè... nhưng có cảm giác bị bỏ rơi, thiếu sự chia sẻ, can thiệp, giúp đỡ ngay từ ban đầu; không có ai dạy cho các em cách chia sẻ, kiềm chế cảm xúc. Hoàn cảnh ấy là “cơ hội” đưa các em tới sự vô cảm, nghiện game, chất kích thích, phim đen, bạo lực... “Trong trường học, chúng ta gặp HS của mình trong đồng phục giống nhau, tươi cười vòng tay thưa cô nhưng ẩn chứa bên trong là một thế giới khác. Kết quả khảo rất đáng suy ngẫm khi sự chia sẻ của HS với thầy cô về vấn đề bạo lực là ít nhất, chỉ có 8,3%. Các em có thói quen im lặng chịu đựng hơn là tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô giáo”, thầy Hùng nêu thực trạng.