Từ 21/4 Sở GD&ĐT Đắk Lắk bắt đầu triển khai tập huấn công tác tổ chức Kỳ thi trên địa bàn.
Việc cũ nhưng luôn mới
|
Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không được chủ quan, lơ là trong bất kỳ khâu nào từ chuẩn bị cho đến tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (ảnh: Thành Tâm).
|
Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Đăng Khoa ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa qua.
“Tổ chức thi tốt nghiệp THPT là câu chuyện hàng năm, các trường học, địa phương và ngành luôn có sự chuẩn bị chu đáo. Đội ngũ các bộ làm nhiệm vụ thi luôn được tập huấn kỹ càng về nghiệp vụ và Quy chế thi. Tuy nhiên, như năm ngoái, trong quá trình tổ chức, ở vài điểm thi vẫn xảy ra những sai sót đáng tiếc như học sinh mang điện thoại vào phòng thi, thí sinh ngồi không đúng số báo danh, giám thị ký nhầm sang phần giám khảo… Đó là những sự cố không ai mong muốn. Vì vậy, thầy cô phải lấy đó làm bài học. Không vì coi việc làm lặp đi, lặp lại này mà dẫn đến chủ quan, lơ là dẫn đến sai sót”, Giám đốc Phạm Đăng Khoa nêu yêu cầu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng yêu cầu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở rà soát, phối hợp thực hiện tốt công tác tham mưu, chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ thi năm 2023 tại Hội đồng thi Đắk Lắk bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
“Sau Hội nghị này, sẽ triển khai tập huấn thật kĩ Quy chế thi cho tất cả các thành viên tham gia tổ chức kỳ thi. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở đối với các đơn vị trong quá trình chuẩn bị. Ở khâu tổ chức coi thi, yêu cầu cán bộ nhân viên thực hiện 4 đúng, 3 không theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Về tài chính, không được thu bất kỳ khoản nào từ học sinh để phục vụ cho Kỳ thi. Về công tác cán bộ phải rà soát kĩ lưỡng, các giáo viên phải luôn ở chế độ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được triệu tập hoặc triệu tập bổ sung”, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
|
Ông Biện Văn Minh, Trưởng phòng KH-TC, Sở GD&ĐT hướng dẫn công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và tài chính cho Kỳ thi (ảnh: Thành Tâm).
|
Quán triệt một số điểm mới, điểm quan trọng của Quy chế thi
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Trưởng phòng Quản lý chất lượng Giáo dục - Công nghệ thông tin, đã cung cấp các văn bản liên quan đến Kỳ thi. Trong đó có một số điểm mới nổi bật của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cụ thể:
Thứ nhất, Quy chế mới đã bỏ quy định thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi.
|
Ông Nguyễn Hoàng Chương trao đổi, quán triệt những điểm mới trong Quy chế thi năm 2023 (ảnh: Thành Tâm). |
Thứ 2, về hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Quy chế mới quy định thành phần hồ sơ của đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi đã bỏ quy định về bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Ngoài ra, còn bổ sung quy định về file ảnh (hoặc 2 ảnh 4x6 trong trường hợp đăng ký dự thi trực tiếp) kiểu căn cước công dân, được chụp trước thời gian nộp hồ sơ không quá 6 tháng với trường hợp đăng ký trực tuyến.
|
Đại biểu đến từ Trường THPT Võ Nguyên Giáp nêu ý kiến tại Hội nghị (ảnh: Thành Tâm).
|
Thứ 3, Thí sinh dự thi có thể đăng ký bằng 2 hình thức. Theo đó, thí sinh là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.
Thứ 4, về điểm ưu tiên trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, các thí sinh thuộc diện 2 và diện 3 được ưu tiên như sau:
Đối với người dân tộc Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thuộc diện 2 được cộng 0,25 điểm:
Người Kinh, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có nơi thường trú trong thời gian học cấp THPT từ 3 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước).
Xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương ít nhất 2 phần 3 thời gian học cấp THPT.
Đối với người dân tộc thiểu số thuộc diện 3 được cộng 0,5 điểm:
Người dân tộc thiểu số có nơi thường trú trong thời gian học tập cấp THPT từ 3 năm trở lên ở xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 theo Quyết định 135/QĐ-TTg năm 1998 (tính từ thời điểm các xã này hoàn thành Chương trình 135 trở về trước); xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Xã khu vực I, II, III và xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc học tại các trường phổ thông không nằm trên địa bàn các quận của các thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Thượng tá Nguyễn Đình Hường - Phó Trưởng phòng PA03 Công an tỉnh Đắk Lắk quán triệt công tác phối hợp tổ chức Kỳ thi (ảnh: Thành Tâm).
|
Tập trung ôn thi cho mọi học sinh
Sở GD&ĐT cũng đặc biệt lưu ý đến lãnh đạo các đơn vị, trường học cần chú trọng công tác ôn tập cho học sinh, giúp các em nâng cao kỹ năng, kiến thức trước khi tham gia dự thi.
Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh có 9 Cụm chuyên môn, các Cụm cũng đã xây dựng 9 chuyên đề để tổ chức ôn tập. Xây dựng được đề minh họa theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Xây dựng kế hoạch ôn tập và tổ chức thi thử tốt nghiệp. Các trường cũng đang tổ chức phụ đạo theo phân loại học sinh.
|
Ông Trần Văn Hùng - Phó Trưởng phòng GDTrH-GDTX hướng dẫn công tác ôn tập cho Kỳ thi (ảnh: Thành Tâm).
|
“Phải đa dạng hình thức ôn tập cho học sinh. Vừa ôn tập cho nhóm học sinh yếu kém, nhưng phải chú ý nâng cao kết quả phổ điểm và kết quả thi để học sinh tham gia xét tuyển đại học. Vì vậy, các trường phải tập trung thực hiện song song việc ôn tập cho cả 2 nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng khai thác và sử dụng hiệu quả bộ tài liệu do các Cụm chuyên môn xây dựng. Chú ý, làm đến đâu tuyên truyền đến đó để phụ huynh thấy và ủng hộ”, ông Trần Văn Hùng - Phó Trưởng phòng GDTrH-GDTX nêu yêu cầu.