Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nhiều lãnh đạo trường đại học băn khoăn các quy định về tuyển sinh, đào tạo, công nhận kết quả học tập đã tích lũy… trong dự thảo này.
Lo ít người học
Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg (Quyết định 18) quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với đại học. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đào tạo liên thông, nhiều vướng mắc, khó khăn phát sinh. Một số quy định trong Quyết định 18 không còn phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay, căn cứ theo Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, dự kiến trình Chính phủ xem xét vào năm 2024. Tại tọa đàm, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trình bày các nội dung chính của dự thảo Nghị định trên, khẳng định căn cứ pháp lý và sự cần thiết phải ban hành.
Cụ thể, theo Luật Giáo dục năm 2019, Chính phủ quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân (Khoản 2, Điều 10). Theo đó, phạm vi về liên thông theo quy định của Luật Giáo dục 2019 là giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, không chỉ liên thông giữa trình độ trung cấp, cao đẳng với đại học như trong Quyết định 18.
Nhiều ý kiến góp ý về quy định công tác tuyển sinh và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo liên thông. Cụ thể, dự thảo quy định người học liên thông đăng ký dự tuyển theo kế hoạch tuyển sinh chung và được xét tuyển theo tiêu chí, điều kiện như trình độ, hình thức giáo dục tương ứng; không tổ chức tuyển sinh liên thông riêng. Ngoài ra, người học liên thông được đăng ký học tập theo kế hoạch chung, chung chương trình giáo dục với các trình độ, hình thức khác; không tổ chức lớp học liên thông riêng.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, theo dự thảo trên, các lớp sinh viên liên thông được bố trí chung với sinh viên chính quy tập trung. Nếu điều này được áp dụng, sẽ rất ít người chọn học liên thông. “Lớp sinh viên chính quy tập trung tổ chức đào tạo các ngày trong tuần, không dạy buổi tối hay cuối tuần. Trong khi đa số người học liên thông vừa học vừa làm, học vào thứ 7, Chủ nhật, buổi tối để ngày trong tuần đi làm, duy trì công việc. Giữa việc học và đi làm, chắc chắn người học chọn đi làm”, TS Nhân giải thích.
Hiện nhu cầu học liên thông ít, nhất là khối ngành khoa học - kỹ thuật. “Số người học liên thông ít bởi con đường vào đại học dễ dàng hơn. Những em học trung cấp, cao đẳng vì muốn sớm đi làm nên hầu như không có nhu cầu học lên đại học. Trừ những em làm tốt, được cân nhắc vị trí quản lý mới bắt buộc phải học liên thông để có điều kiện bằng cấp đáp ứng quy trình bổ nhiệm”, ông Nhân nói.
Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng dự báo, nếu dự thảo Nghị định này được ban hành, trong 5 năm tới, quy mô đào tạo liên thông sẽ giảm xuống còn khoảng 10 nghìn người, tức bằng 1/10 so với hiện nay. Đồng thời, chỉ còn khối sư phạm và khoa học sức khoẻ có thể đào tạo liên thông.
ThS Lê Văn Hiển - Phụ trách Phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật TPHCM cũng băn khoăn với quy định không được tổ chức lớp học liên thông riêng. Theo ông Hiển, đào tạo liên thông thực hiện cùng một chương trình, tiêu chuẩn như đào tạo chính quy là đúng nhưng tùy theo điều kiện. Nếu cơ sở đào tạo thấy cần tổ chức lớp học riêng cho người học liên thông thì nên tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện.
“Với người học liên thông, đa phần vừa học vừa làm. Nếu yêu cầu học chung với sinh viên chính quy thì khó cho họ và cơ sở đào tạo cũng khó tuyển sinh. Tôi nghĩ nên trao quyền cho cơ sở đào tạo, không bó buộc tổ chức lớp học chung hay riêng”, ông Hiển nói.
|
Học viên cao đẳng nghề trong giờ thực hành tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Gây khó cho người học
Quy định về thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy trong liên thông cũng được nhiều chuyên gia góp ý. Theo đó, dự thảo quy định khoảng thời gian này là 5 năm tính từ ngày người học được công nhận tốt nghiệp đến ngày xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy. Con số này là 2 năm áp dụng với người học được cấp chứng chỉ; 3 năm với việc hoàn thành môn học, học phần, mô-đun trong chương trình (có xác nhận của cơ sở giáo dục).
PGS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo không chính quy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích luỹ sẽ hạn chế định hướng học tập suốt đời mà chúng ta đang đề ra. PGS Hải lấy ví dụ, một người tốt nghiệp trung cấp, sau 5 năm mới có nhu cầu, điều kiện học nâng cao trình độ. Nếu không công nhận bằng trung cấp vì đã quá thời hạn sẽ triệt tiêu cơ hội học tập nâng cao trình độ của người đó.
“Do đó, tôi đề nghị bỏ quy định này. Nên để trường quyết định xem xét có công nhận bảng điểm môn nào và có nhận người học đó học liên thông không. Bộ GD&ĐT cũng có thể xây dựng khung kiểm tra việc đào tạo của trường chất lượng hay không”, ông Hải nói.
Đồng quan điểm, ThS Trương Thị Hoài Linh - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) cho rằng, quy định thời gian xét công nhận kết quả học tập đã tích lũy sẽ gây khó khăn với người học liên thông ở những vùng miền núi.
“Các năm trước, người học tham gia tuyển sinh liên thông thuộc về thế hệ 7X, 8X. Với dự thảo Nghị định này, họ sẽ phải học lại toàn bộ chương trình đào tạo. Tôi mong ban soạn thảo xem xét lại nội dung trên để tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập nâng cao trình độ”, bà Linh nói.