Để những hy sinh thầm lặng của đồng nghiệp không vô nghĩa, đội ngũ giáo viên cả nước sẽ viết tiếp những trang giáo án còn dang dở.
Tin rằng, dẫu núi cao, vực sâu, hiểm nguy rình rập nhưng các thầy, cô vẫn hoàn thành trọn vẹn ước mơ của đồng nghiệp trên con đường “gieo mầm tri thức”.
Viết tiếp trang giáo án
Sau khi cô Yến gặp nạn, Ban giám hiệu Trường Mầm non Đường Thượng (Yên Minh – Hà Giang) đã họp và động viên thầy cô, vượt qua đau thương, mất mát; an tâm công tác, tiếp tục bám trường, bám bản để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo cô Bang Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đường Thượng, điểm trường Cờ Tẩu có 2 lớp ghép, trong đó lớp 4 – 5 tuổi do cô Mai Thị Yến phụ trách có 24 học sinh. Hầu hết, các em đều nói tiếng Việt chưa sõi, nhất là trẻ 3 tuổi. Ban giám hiệu đã phân công cô Ly Thị Chu tiếp quản công việc cô Yến để lại.
Nhận nhiệm vụ viết tiếp những trang giáo án còn dang dở của đồng nghiệp, cô Ly Thị Chu chia sẻ: “Tôi gặp nhiều khó khăn vì chưa quen trường, lớp, chưa làm quen được với học sinh. Hằng ngày phải đi trên con đường đã cướp đi sinh mạng của người chị, đồng nghiệp thân thiết, tôi lại nhớ ngày xảy ra tai nạn cùng cảm giác lo sợ trước những khúc cua có thể nuốt trọn mình bất cứ lúc nào”.
Lo lắng là vậy nhưng cô Chu và những giáo viên khác ngày ngày vẫn miệt mài trên con đường vào bản, quyết tâm hoàn thành trọn vẹn những ước mơ, nguyện vọng còn dang dở của người đồng nghiệp vừa nằm xuống; tiếp tục gắn bó với lớp, trường và với lũ trẻ vùng cao trên hành trình “gieo mầm tri thức”.
|
Cô Ly Thị Chu sẽ thay cô Yến viết tiếp những trang giáo án còn dang dở…
|
Nghĩ đến trò để chiến thắng tử thần
Xã Đứa Mòn thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Để con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây học được con chữ, các thế hệ giáo viên cắm bản phải đánh đổi rất nhiều - không chỉ là sức khỏe, gia đình, tuổi thanh xuân… đôi khi còn là cả tính mạng.
Cách đây chừng gần 3 năm, vào đợt khai giảng năm học mới 2020 – 2021, tôi có dịp tâm sự với cô Lò Thị Phượng (Trường Mầm non xã Đứa Mòn). Trong câu chuyện, cô Phượng kể vanh vách những vụ giáo viên trường mầm non bị tai nạn, ngã xe, rơi vực. Nào là cô Lan rơi ở vực này, thầy Thật khốn khổ khiêng xe ở đoạn kia…
Cô Phượng còn nhớ như in cái lần tử thần suýt “đoạt mạng”. Hôm đó đang dịp nghỉ hè, nhưng do dịch bệnh nên giáo viên tình nguyện ở lại bồi dưỡng hè để các em khỏi hổng kiến thức.
“Kết thúc buổi học sáng, tôi về điểm bản trung tâm. Vì những giáo viên dạy cách trường chừng 5km đều về để ăn cơm, nghỉ ngơi để chiều lại vào bản dạy học. Con đường từ điểm bản Tạng Sỏn về trung tâm nhỏ, hẹp, lại trơn trượt, khó đi. Khi cố tránh một hòn đá to ở giữa đường, cả người và xe lăn xuống vực sâu chừng 15m. Lúc đó cứ nghĩ là mình đã chết rồi!”, cô Phượng kể.
Cô Phượng mất gần 20 phút tự vật lộn, xoay xở để thoát khỏi chiếc xe máy đang đè nặng dưới lòng suối cạn. Đó cũng là lúc cô nghĩ đến chồng, con, người thân và đám trẻ nhỏ trên lớp. Cứ thấy ai đi qua là cô lấy cành cây phe phẩy, lấy tay khua khua ra hiệu cầu cứu, chứ chẳng còn sức để gọi nữa.
“Thoát ra khỏi cái xe máy, em bò vào chỗ khô ráo, dễ quan sát người đi đường phía trên đỉnh đầu rồi gọi điện về cho chồng. Trong lúc đợi chồng lên hỗ trợ, bản thân em cố gắng lắng nghe xem ở trên có người dân đi lại hay không để nhờ trợ giúp. Hết đoàn này đi, đoàn kia đi, cứ cố ra hiệu song chẳng ai nhìn thấy. Khoảng 30 phút sau thì có người phát hiện ra em đang ở dưới đáy vực, họ tìm thêm người đến cứu…”, cô Phượng nhớ lại và cho biết:
Nguy hiểm, gian nan là vậy, song bản thân chưa khi nào nghĩ đến chuyện sẽ bỏ trường, bỏ nghề. “Lý do thì em không rõ. Chỉ biết rằng mình cố gắng được bao nhiêu thì tương lai của các em sẽ tươi sáng thêm bấy nhiêu”, nữ nhà giáo chia sẻ.
Gần một năm kể từ ngày gặp nạn trên đường đi khai giảng, cô Y Hồng (Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vẫn còn hãi hùng khi nhớ lại. Khi đó, hơn 6 giờ sáng 5/9/2022, cô Y Hồng di chuyển từ nhà ở huyện Đăk Tô vào Trường Tiểu học xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông để dự lễ khai giảng năm học mới.
Khi đến đoạn mỏ đá xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) thì va chạm với xe ô tô đi ngược chiều. Do vết thương quá nặng nên cô Hồng được đưa xuống Bệnh viện 211 (TP Pleiku, Gia Lai) cấp cứu và điều trị. Vụ tai nạn khiến cô Y Hồng bị gãy xương đùi, xương hông, xương trán…
“Trước kia, khi còn giảng dạy ở trường cũ, mỗi ngày bản thân phải vượt chặng đường hàng chục km qua đèo Văn Rơi với một bên là núi, phía kia là vực. Sau vụ tai nạn, tôi chuyển vào Trường Tiểu học xã Đăk Tờ Kan giảng dạy.
Đường sá thuận lợi hơn, không phải di chuyển qua đèo nên cũng bớt lo lắng phần nào. Thế nhưng, nỗi ám ảnh sau vụ tai nạn khiến mình chẳng dám chạy xe máy, đành đi nhờ đồng nghiệp. Hiện nay, vết thương đã bình phục, nhưng những hôm trái gió, trở trời thì vẫn đau nhức”, cô Y Hồng bộc bạch.
Cũng trên chặng đường trở lại trường, thầy Trần An Ninh, Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) gặp tai nạn, khiến con mắt phải chẳng thể nhìn thấy.
Ngược dòng thời gian, thầy Ninh nhớ, năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng, được một người bạn tại Kon Tum rủ lên huyện Đăk Glei công tác. Lúc bấy giờ, thầy Ninh bắt xe khách từ Đà Nẵng lên Kon Tum. Sau đó, lại tiếp tục vượt hơn 120km từ TP Kon Tum lên huyện Đăk Glei.
Dù chặng đường chỉ hơn 100 cây số nhưng thầy đi từ sáng sớm đến tối mịt mới tới nơi. Nhận nhiệm vụ giảng dạy tại xã biên giới Đăk Man, muốn vào các điểm trường, thầy Ninh phải lội bộ hàng chục cây số. Bởi ngày mưa đường sình lầy, những con dốc cao cứ trơn tuột.
Sau 8 năm công tác tại xã biên giới Đăk Man, thầy Ninh được chuyển về Trường PTDTBT Tiểu học - THCS xã Mường Hoong. Năm 2006 trong một lần trên đường trở về trường thầy bị ngã xe. Vụ tai nạn đã cướp đi con mắt phải của thầy. Sau biến cố, thầy Ninh suy sụp, sống thu mình lại. Những ngày cuối tuần, khi giáo viên trong trường về thăm gia đình, thầy lại tìm đến các thôn làng xa xôi để trò chuyện, tâm sự cùng phụ huynh, học sinh để thêm hiểu và gắn bó với người dân.
|
Một buổi lên trường của giáo viên cắm bản ở Sơn La. Ảnh: Quàng Văn Thật
|
Mong hành trình bớt gập ghềnh
Ngay sau khi sự việc không may xảy ra, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã kịp thời chỉ đạo, phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Yên Minh quan tâm và hỗ trợ gia đình lo tang lễ cho cô Mai Thị Yến, thăm hỏi động viên tới thầy Nguyễn Đại Đình Nam và hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học – khuyến tài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT, Hà Giang là tỉnh có số lượng trường, điểm trường lớn, địa hình đi lại khó khăn. Các thầy cô luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ. Chính vì thế, sở mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới vùng khó; có chính sách hỗ trợ đối với thầy, cô giáo ở các trường, điểm trường Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cũng đề nghị cần kiên cố hóa nhà công vụ để giải quyết những khó khăn về nơi ở, phục vụ cho giáo viên yên tâm công tác. Đặc biệt đối với những huyện vùng cao như Yên Minh quanh năm sương mù, mùa Hè khô cạn, các thầy cô phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt và giảng dạy.
Viết tiếp những trang giáo án của đồng nghiệp đã khuất trên hành trình gieo mầm, cô Ly Thị Chu cũng mong sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương; chung sức đồng lòng của người dân để con đường đến trường bớt khó khăn, giáo viên cắm bản yên tâm công tác.
Còn cô Y Hồng chẳng mong ước gì cho bản thân, chỉ hy vọng sẽ có nhiều hơn chính sách quan tâm, hỗ trợ cho giáo viên cắm bản, giảng dạy ở vùng khó khăn. Đặc biệt, cô ước mong những con đường gập ghềnh sỏi đá, hay đoạn núi đồi hiểm trở… sẽ được sửa chữa lại để giáo viên vững tay lái trong quá trình gieo chữ.
“Nghe chuyện không may của cô Mai Thị Yến, tôi rất buồn. Bản thân được chuyển về điểm trường Nộc Cốc 2, chỉ cách nhà 9 km, việc đi lại thuận lợi hơn nên chỉ mong sao ở mỗi điểm bản lẻ xa xôi có con đường đi tử tế, để những thầy trò đến trường được an toàn. Với giáo viên cắm bản, chúng em cũng chỉ muốn vậy!”, cô Lò Thị Phượng bộc bạch.