Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023...
Với việc ban hành Luật Thanh tra sửa đổi, bổ sung năm 2022 và sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT, công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ có một số điều chỉnh cho phù hợp. Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT chia sẻ với độc giả về vấn đề này.
Giữ vai trò độc lập
- Năm nay công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT có điểm gì mới, thưa ông?
- Phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được xây dựng dựa trên việc phát huy ưu điểm, rút kinh nghiệm những gì còn hạn chế trong 3 năm qua, nhất là năm 2022, bảo đảm tính thiết thực, phù hợp, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản giữ ổn định, hoạt động hướng đến đảm bảo hoàn toàn độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra và các thành viên khác thực thi nhiệm vụ trong các khâu của kỳ thi.
Thông tư số 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã quy định thanh tra không tham gia vào các công việc: Ký niêm phong tủ đựng đề thi, bài thi tại Điểm thi;
ký niêm phong phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc vật dụng chứa túi bài thi tại Khu vực chấm thi; chứng kiến đóng/mở phòng chứa bài thi, chấm bài thi, tủ thùng hoặc các vật dụng chứa bài thi; chứng kiến việc gieo phách trong khu vực cách ly làm phách; giám sát việc nhập điểm bài thi tự luận của Tổ nhập điểm; giám sát việc niêm phong 2 đĩa CD chứa dữ liệu kết quả thi; giám sát quá trình làm việc của Ban Phúc khảo bài thi tự luận.
Việc không “buộc” trách nhiệm với công việc trong các ban của Hội đồng thi thể hiện rõ vai trò độc lập, giúp công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện khách quan; làm đúng chức năng của thanh tra là xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; khắc phục hạn chế trước đây là thanh tra đi kiểm tra, thanh tra chính bản thân mình khi cùng các thành viên của Hội đồng thi ký các giấy tờ, chứng kiến, giám sát một số hoạt động trong các khâu kỳ thi;
Việc thay đổi này giúp thanh tra làm đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động thanh tra độc lập theo quy định của pháp luật về thanh tra. Quy định này đồng thời làm tăng trách nhiệm các ban của Hội đồng thi.
- Luật Thanh tra sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1/7 có ảnh hưởng gì đến quy định công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
- Luật Thanh tra sửa đổi, bổ sung (Luật số 11/2022/QH15) quy định: Chánh Thanh tra quyết định thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành; cơ quan quản lý Nhà nước không làm việc này. Khác với quy định tại Luật Thanh tra số 56/2010/QH12, theo đó Chánh Thanh tra quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra; trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng/Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định.
Tuy nhiên, Luật Thanh tra số 11 có điều khoản chuyển tiếp: Các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra số 56/2010/QH12. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra đúng giai đoạn chuyển tiếp.
Do đó, những đoàn thành lập trước 1/7 (thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, công tác coi thi) sẽ thực hiện theo Luật Thanh tra số 56. Sau 1/7 (đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chấm thi) thực hiện theo Luật Thanh tra số 11. Khi đó, các sở GD&ĐT phải có phương án điều chỉnh cho phù hợp. Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể nội dung này đến các Sở GD&ĐT và Thanh tra Sở GD&ĐT.
|
Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường.
|
Giảm sức ép, tránh máy móc, phiền hà
- Những điều chỉnh nói trên có dẫn đến thay đổi, xáo trộn gì trong công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm nay hay không?
- Những thay đổi này thuận lợi hơn cho địa phương, đơn vị; tránh máy móc, phiền hà; giảm sức ép cho các đối tượng làm công tác thi trong thời gian diễn ra kỳ thi; tạo thuận lợi cho các đoàn thanh tra, kiểm tra ủy quyền của Bộ GD&ĐT; nhưng đồng thời vẫn bảo đảm các quy định của pháp luật. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2023, lấy ý kiến các đối tượng thực thi, sau đó hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ GD&ĐT phê duyệt.
- Ông có lưu ý gì các địa phương, đơn vị trước những điểm mới này và để thực hiện tốt hơn công tác thanh tra, kiểm tra trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023?
- Công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT là một trong những nhân tố bảo đảm thành công của kỳ thi. Như các năm, điều quan trọng đầu tiên cần lưu ý là các đơn vị cần lựa chọn nhân sự làm công tác thanh tra, kiểm tra đủ điều kiện năng lực, nghiệp vụ, kinh nghiệm; nắm vững Quy chế, hiểu quy trình các khâu; nắm rõ vai, chức trách, nhiệm vụ, thuộc bài. Công tác tập huấn cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh triển khai một số quy định mới trong công tác thanh tra theo Luật Thanh tra và Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sửa đổi.
Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán làm công tác thanh tra, kiểm tra các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học. Hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung: Hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Nghiệp vụ trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra; Kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn…
Sau Hội nghị tập huấn của Bộ GD&ĐT, các cán bộ cốt cán sẽ tập huấn lan tỏa tại địa phương, nhà trường. Lưu ý, tập huấn tại địa phương, trường đại học phải trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, đặc biệt với những điểm mới của năm nay.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng tài liệu theo hướng tập trung vào kỹ năng chuyên môn thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi; Đồng thời xây dựng lại các tài liệu tập huấn; kịch bản; hướng dẫn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Việc này sẽ hoàn thành trước khi diễn ra Hội nghị tập huấn.
- Xin cảm ơn ông!