Môn Địa lý cũng như các môn học khác học sinh cần có kế hoạch ôn tập cụ thể, cân bằng thời gian để không bị áp lực học trong giai đoạn nước rút.
Gợi ý cách lập kế hoạch
Theo chia sẻ của cô Trịnh Bạch Yến – tổ trưởng môn Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Lào Cai (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai): “Học sinh ôn tập cuối cấp rất áp lực, do đó bất kỳ môn học nào cũng cần lập kế hoạch và thời gian biểu cụ thể. Như vậy quá trình học các em sẽ giảm được áp lực với các mục tiêu mà bản thân đề ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học năm 2023”.
Cụ thể đối với môn Địa lý, cô Yến lưu ý, học sinh không nên dành quá nhiều thời gian cho một nội dung kiến thức, cần học chắc phần kiến thức nền, kỹ năng khai thác kiến thức dữ liệu Atlat.
“Khi đã nắm chắc kiến thức cơ bản, học sinh sẽ có nền móng chắc thì quá trình tìm hiểu nội dung nâng cao sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều. Đồng thời, học sinh nên lập sơ đồ kiến thức và tiến hành giai đoạn luyện đề theo cấu trúc đề thi minh hoạ.
Đặc biệt, quá trình luyện đề cần rèn luyện cho bản thân kỹ năng nhận dạng biểu đồ, nhận xét, phân tích bảng số liệu, phản ứng nhanh với các câu hỏi có trong đề, cân bằng thời gian làm cho mỗi câu”, cô Yến lưu ý.
Cô Yến cho biết thêm, để ghi nhớ kiến thức trọng tâm nên học theo sơ đồ kiến thức, gạch chân từ khóa để học. Tăng cường luyện đề để luyện kỹ năng làm bài, phản xạ đề và khắc phục lỗi sai, tránh nhầm lẫn, đồng thời ghi nhớ kiến thức thông qua Atlat địa lí, bảng số liệu...
“Nên luyện theo mảng kiến thức sau đó mới luyện đề tổng hợp như vậy các em sẽ ghi nhớ kiến thức hiệu quả hơn, qua đó phát hiện được những phần kiến thức còn hổng để gia cố lại cho chắc”, cô Yến nhấn mạnh.
|
Cô Trịnh Bạch Yến cùng học trò của mình.
|
Khai thác tối đa lợi thế của Atlat
Địa lý là môn học có kiến thức rất logic vậy nên thí sinh tập trung nhiều vào mối quan hệ nhân quả để ghi nhớ kiến thức, sắp xếp các vấn đề dựa trên bản đồ, sơ đồ logic, bảng số liệu thống kê, biểu đồ…có trên Atlat.
Theo cô Trịnh Bạch Yến, Atlat địa lý được coi là “cuốn sách giáo khoa thứ 2” của học sinh, trong Atlat có rất nhiều bản đồ, biểu đồ, các số liệu thống kê… Việc sử dụng và vận dụng tốt Atlat Địa lý giúp học sinh giảm việc học thuộc, ghi nhớ máy móc không hiệu quả, đồng thời giúp học sinh ghi nhớ kiến thức, củng cố kiến thức, có hình dung về không gian lãnh thổ tốt.
Nếu biết khai thác triệt để các thông tin trong Atlat thì sẽ truyền tải cơ bản các kiến thức của sách giáo khoa lên đó. Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, gần như được biểu hiện rõ trên Atlat, cụ thể là ở các bản đồ đã biểu thị sự phân bố, vị trí của sự vật - hiện tượng.
“Khi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, người học nên theo trình tự sau: tìm hiểu cấu trúc Atlat (gồm các trang, mục nào, sắp xếp ra sao), hiểu chú giải. Quá trình làm bài, cần đọc kỹ yêu cầu của từng câu hỏi để tìm trang Atlat phù hợp và khai thác kiến thức.
“Trong thực tế, môn Địa lý có nhiều kiến thức số liệu. Tuy nhiên, trong đề thi hạn chế ghi nhớ số liệu một cách máy móc, do vậy, học sinh thi tốt nghiệp môn Địa lý không phải học thuộc số liệu, các số liệu đã có trong Atlat hoặc đề thi, học sinh cần luyện kỹ năng xử lí số liệu”, cô Yên lưu ý thêm.