Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) trao đổi, thảo luận về sách giáo khoa. Ảnh: Phòng GD&ĐT Việt Yên cung cấp.
Đây là thông tin trong báo cáo giải trình của Chính phủ về một số vấn đề cần lưu ý qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông gửi Đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, trước đề nghị của Đoàn giám sát “Đánh giá về việc triển khai thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ SGK cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không; sự cần thiết sửa đổi quy định để thực hiện thống nhất việc lựa chọn SGK và giao cơ sở giáo dục có quyền chủ động trong việc lựa chọn SGK, hướng tới để quyền lựa chọn SGK là của học sinh, giáo viên, phụ huynh”, Chính phủ có ý kiến như sau:
Nghị quyết 88 có nêu "thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học".
Chương trình là thống nhất, SGK là học liệu, nhiều SGK góp phần làm phong phú nguồn học liệu để giáo viên và học sinh được tiếp cận.
Đối với mỗi môn học, giáo viên và các học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ SGK. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các SGK có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau.
Để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được điều kiện này.
Việc trao quyền lựa chọn SGK cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT về lựa chọn SGK theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn SGK của nhà trường.
|
Ảnh minh họa/ITN.
|
Phản hồi đề nghị khác của Đoàn giám sát về “đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ cung cấp SGK cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật, cần tính toán đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của việc bố trí ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa cấp cho thư viện các trường học dùng chung”, Chính phủ có ý kiến qua báo cáo như sau:
Nhà nước đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tại các vùng khó khăn. Trong đó, học sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo hoàn toàn được dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm có đủ SGK cho học sinh.
Cụ thể, tại Điều 18 và khoản 10 Điều 20 Nghị định 81 quy định nâng mức hỗ trợ chi phí học tập từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1.350.000 đồng/1 năm) để giúp học sinh đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm kinh phí mua sắm sách vở, đồ dùng và dụng cụ học tập, đặc biệt là SGK mới.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án mua SGK trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.
Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5687/BGDĐT-KHTC ngày 28/10/2022, công văn số 705/BGDĐT-KHTC ngày 23/2/2023 gửi các địa phương đề nghị báo cáo số liệu học sinh và đề xuất nhu cầu kinh phí mua SGK cho học sinh mượn, sử dụng; số kinh phí ngân sách địa phương tự cân đối và đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính toán, xây dựng các phương án hỗ trợ, đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước và xin ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối ngân sách nhà nước, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.