Kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin… là những lĩnh vực có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất năm 2022...
Những ngành trên được dự đoán tiếp tục thu hút quan tâm của thí sinh năm nay.
Giảm thiểu rủi ro tìm việc
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), kết quả tuyển sinh năm 2022 cho thấy, lĩnh vực có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất là kinh doanh và quản lý, với 24,54% thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học. Tiếp đến là lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin (CNTT) (11,79%), công nghệ kỹ thuật (9,18%), nhân văn (8,68%), sức khoẻ (6,35%).
Nhiều chuyên gia dự đoán, các lĩnh vực trên sẽ tiếp tục nằm trong tốp thu hút thí sinh nhiều nhất. TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) nhìn nhận, gần đây, máy tính và CNTT luôn được thí sinh quan tâm. Minh chứng, tại các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, nhiều thí sinh đặt câu hỏi tìm hiểu lĩnh vực này, từ phương thức tuyển sinh, điểm chuẩn xét tuyển, nhu cầu việc làm… Tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học luôn đứng ở vị trí tốp đầu.
“Máy tính và CNTT; kinh doanh và quản lý; sức khoẻ; công nghệ kỹ thuật tiếp tục nằm trong danh sách 5 lĩnh vực có tỉ lệ thí sinh nhập học cao nhất năm 2023” - TS Hải dự đoán.
Đồng quan điểm, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngành CNTT và kinh tế tài chính có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều nên điểm chuẩn cao. Đông đảo phụ huynh, học sinh đã nhìn vào thực tế nhiều tập đoàn, công ty trong và ngoài nước liên tục tuyển nhân sự với mức lương ngày càng cao. Do đó, dự báo trong vài năm tới, những ngành này vẫn “hot”.
Theo TS Toàn, biến động kinh tế, xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của KHCN đã góp phần tạo ra nhiều ngành nghề mới. Kéo theo đó là sự cần thiết về nguồn nhân lực. Vì vậy, tham khảo xu hướng nghề nghiệp có thể giúp học sinh, sinh viên thay đổi suy nghĩ, quan niệm về nghề, giảm thiểu rủi ro trong quá trình tìm việc và nghề nghiệp tương lai.
|
Ảnh minh họa Internet.
|
Nhận diện xu hướng
Tại Chương trình tọa đàm “360 độ nghề nghiệp”, chuyên gia dự báo nhân lực Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định, tới đây sẽ có sự thay đổi chất lượng cơ cấu, hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp cơ cấu công nghệ số.
Ông Trần Anh Tuấn dự đoán, nhóm ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; công nghệ cao trong nông nghiệp, khoa học cây trồng, chăn nuôi thú y, công nghệ sau thu hoạch, thủy hải sản, sinh học, hóa dược, hóa sinh, hóa mỹ phẩm... có nhiều triển vọng phát triển. Bởi, dù được cảnh báo nhiều năm nhưng nhóm ngành này vẫn chưa bổ sung đủ nhân lực. Năm 2023, các hiệp định mở ra, cần tiếp tục đẩy mạnh bổ sung nhân lực đang thiếu hụt.
Dự báo, 5 năm tới, có khoảng 6 nhóm ngành phát triển mạnh: Công nghệ và kỹ thuật; CNTT (nhóm ngành này phát triển chuyên sâu về khoa học máy tính, CNTT - lập trình và phần mềm (bảo mật mạng, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh - hoạt hình); trí tuệ nhân tạo; quản trị kinh doanh, tài chính; hành chính pháp luật.
Các lĩnh vực như: Logistics và chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, digital marketing, truyền thông đa phương tiện; tài chính, kế toán, ngân hàng... cũng chuyển đổi theo hướng công nghệ số nên nhu cầu nhân lực lớn. Ngoài ra, nhóm ngành về lĩnh vực khoa học xã hội đang cần bổ sung nguồn lực như: Du lịch, nhà hàng khách sạn, ẩm thực…; và các nhóm ngành sư phạm, luật, ngôn ngữ, tâm lý chuyên ngành.
“Thị trường lao động sắp tới là của công nghệ số, nhân lực chất lượng cao và dành cho người biết lựa chọn ngành nghề, học tập đúng để có giá trị nghề nghiệp” - ông Tuấn nhìn nhận, đồng thời khuyến nghị, thí sinh cần biết cách lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với bản thân. Khi đã lựa chọn đúng và trúng, nên nghiêm túc học tập với quyết tâm cao. Các em cần học với tất cả đam mê thì mới có thể thành công; Nếu học chỉ để có bằng cấp, thì chỉ đạt được thành tựu nhỏ nhưng thất bại rất nhiều.
Trước mùa tuyển sinh đại học 2023, Bộ GD&ĐT khuyến cáo: Các cơ sở giáo dục đại học phải nắm bắt được thị trường lao động, sự khác biệt trong quan niệm, nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, ngành. Cần đổi mới nội dung ngành, chương trình, môi trường, phương pháp đào tạo. Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh truyền thông và quảng bá tuyển sinh.
Ngoài ra, các bộ ngành sử dụng nguồn nhân lực cần thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo. Mặt khác, hỗ trợ thí sinh thực hiện Chính sách tín dụng cho sinh viên theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm 2022 là hơn 625 nghìn sinh viên. Có trên 521,2 nghìn thí sinh nhập học vào các trường đại học (đạt 83,39%). Có 194/330 cơ sở đào tạo có tỉ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu, chiếm 79,42% tổng số nhập học toàn quốc. Con số này đều cao hơn các năm 2020, 2021.