Việc công bố sớm phương án tuyển sinh giúp phụ huynh, học sinh và các trường THPT có định hướng dạy - học và tư vấn hướng nghiệp.
Cần sớm định hướng phương án tuyển sinh
Có con học lớp 10, Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), anh Dương Văn Đồng (Sóc Sơn, Hà Nội) mong muốn các trường đại học sớm công bố phương án tuyển sinh cho giai đoạn từ năm 2025 trở đi. “Việc này sẽ giúp gia đình có định hướng học tập và nghề nghiệp cho cháu tốt hơn” – anh Đồng chia sẻ và mong muốn, các trường giữ ổn định phương thức tuyển sinh. Có chăng chỉ nên thay đổi về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi cho gia đình và học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng dành cho học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Theo đó, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên các cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh lứa học sinh tốt nghiệp THPT học theo Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Với tính chất này, cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bá Thước (Thanh Hóa) - đề xuất, các cơ sở giáo dục đại học sớm công bố phương án tuyển sinh từ năm 2025 trở đi để nhà trường có định hướng dạy – học cho thầy – trò; đồng thời làm tốt hơn công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Theo cô Thu, năm 2025, các trường nên ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2023 để không gây xáo trộn lớn. Tháng 1/2024, các trường có thể “dự lệnh” một số thông tin cơ bản về tuyển sinh năm 2025. Với các cơ sở giáo dục đại học có tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh, cần cập nhật thông tin, xây dựng ngân hàng đề thi phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. “Cơ sở đào tạo nên sớm công bố đề án tổ chức kỳ thi riêng, đề thi minh họa để các trường THPT và học sinh tham khảo” – cô Thu đề xuất.
Khi có học sinh bắt đầu tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, yêu cầu đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học là xây dựng và công bố kịp thời định hướng công tác tuyển sinh từ năm 2025 trở đi. GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nhấn mạnh, các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung và cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn khách quan. Tuy nhiên, muốn thay đổi cần nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng, có căn cứ lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm, sau đó mới đưa ra phương án cụ thể” - GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Việc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội xây dựng và triển khai đề án “Tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy” có tính cấp thiết cao, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển sinh đại học trong cả nước và phù hợp với định hướng nêu trên.
Đối với kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh trao đổi, khi học sinh học hoàn thiện một chu trình của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tức là từ năm 2025 trở đi có học sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình này, thì nhà trường sẽ có những điều chỉnh để thích ứng. Năng lực của người học không phải do môn học hình thành nên để hình thành năng lực, cần có các lĩnh vực khác nhau.
|
Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2023. Ảnh: TG
|
Giảm phụ thuộc Kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại buổi họp báo đầu tháng 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh - Phó Trưởng ban Tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) - cho biết, khối trường quân sự xác định đổi mới thi cử nhưng có lộ trình cụ thể. Ban Tuyển sinh khối trường quân sự đang xây dựng đề án và hiện đã có bản dự thảo. Dự kiến từ năm 2025, thí sinh sẽ thí điểm dự thi tại một số địa phương theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính.
“Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành đề án, theo hướng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh. Việc tổ chức kỳ thi riêng cần phải thận trọng và theo lộ trình các năm” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh. Trong hai năm tới, Ban Tuyển sinh quân sự vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như hiện nay.
Theo dự báo của một số chuyên gia, năm 2025 vẫn có nhiều cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đầu vào hệ đại học chính quy. Do đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - đề xuất, đề thi Kỳ thi tốt nghiệp năm 2025 cần tăng độ phân hóa hơn so với hiện nay để các trường đại học có thể dựa vào tuyển sinh.
“Tuy nhiên, tôi khuyến khích các cơ sở đào tạo chuyển hướng sang những phương thức tuyển sinh khác, giảm dần phụ thuộc vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có việc xét kết quả từ các kỳ thi riêng là hoàn toàn phù hợp” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ trao đổi.
Trao đổi về dự kiến định hướng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho hay, đề thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau.
Theo thông lệ hằng năm, trước mỗi kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để làm cơ sở cho giáo viên và học sinh định hướng ôn tập. Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng vậy, trước khi tổ chức thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh chủ động trong quá trình dạy học và ôn thi.
Để chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đại học năm 2025 và các mùa tuyển sinh tiếp theo, Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở đào tạo cần sớm nghiên cứu và công bố định hướng tuyển sinh để học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội biết.