Việc xây dựng Luật Nhà giáo được các nhà giáo hy vọng sẽ giải quyết triệt để bài toán thu nhập, tiền lương cho giáo viên.
Vẫn nhiều thầy cô khó khăn vì lương
Thầy Lê Thành, giáo viên có thâm niên hơn 10 năm, dạy tại một trường THPT ở ngoại thành TPHCM có tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong đó, mức lương hằng tháng cùng với phụ cấp thầy nhận được khoảng 6 triệu đồng, còn lại là mức thu nhập tăng thêm theo chính sách riêng của TPHCM dành cho công chức, viên chức.
Với mức lương này, thầy Thành phải xoay xở nhiều cách, tiết kiệm chi tiêu mới đủ trang trải cho cuộc sống của gia đình với 2 đứa con nhỏ. Thậm chí trong mùa hè này, thầy tranh thủ nhận thêm các việc bên ngoài để có thêm thu nhập.
Theo thầy Thành, mong ước của giáo viên là sống được bằng lương. Khi nào đồng lương của giáo viên đủ để trang trải cuộc sống, họ mới yên tâm công tác, gắn bó và cống hiến với nghề.
“Tôi được biết một trong 5 chính sách quan trọng trong việc xây dựng Luật Nhà giáo là đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo. Rất hy vọng nhờ luật này, thu nhập của giáo viên được cải thiện”, thầy nói.
|
Giáo viên một trường mầm non ở TP Thủ Đức, TPHCM trong giờ cho trẻ ăn trưa tại trường. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Vấn đề tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo cũng được nhắc đến tại sự kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo hồi giữa tháng 8/2023.
TS Trần Trọng Đạo, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Nha Trang nêu ý kiến, công việc của viên chức, người lao động hiện chịu nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, đời sống khó khăn.
Thực trạng này dẫn đến hệ quả là không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác khác, học ở nước ngoài xong thì không muốn về trường làm việc. Điều lo lắng hơn, không ít viên chức, người lao động dành nhiều thời gian, tâm huyết để làm nhiều việc khác nhau ngoài công việc chính, như: bán hàng online, bất động sản …
TS Trần Trọng Đạo nêu 2 đề xuất. Thứ nhất, nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đây là việc khó bởi nguồn lực của nhà nước có hạn và phải xem xét trong tương quan với các ngành khác.
Thứ hai, có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10 - 20 năm), phương thức trả nợ vay.
Công việc đặc thù, lương đặc thù
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho rằng, dự án Luật Nhà giáo đang được Bộ GD&ĐT xây dựng sẽ giúp giải bài toán “sống được bằng lương” của giáo viên.
Theo ông Ngai, thu nhập của thầy cô những năm qua dù được cải thiện nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, vật giá thị trường. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề này, cần một chính sách đột phá, mạnh mẽ và căn cơ. Dự án Luật Nhà giáo sẽ là chìa khóa để mở ra cánh cửa đó.
Theo ông Ngai, dự án Luật Nhà giáo cần đánh giá lại toàn diện bản chất lao động của giáo viên để xã hội nhìn nhận rõ vấn đề này. Bởi từ trước đến nay, nhiều người vẫn quan niệm nghề giáo “nhàn”: Được nghỉ hè; Dạy học theo buổi, tiết trong ngày; Giáo án soạn một lần, dùng nhiều năm…
Trong khi đó, theo ông Ngai, lao động của giáo viên là loại lao động đặc thù, cực nhọc. Nó không chỉ diễn ra trên bục giảng, trường lớp mà còn ở ngoài xã hội. Muốn có bài giảng hay trên lớp, giáo viên phải soạn bài, cập nhật kiến thức, bổ sung giáo án liên tục. Ngoài việc dạy, thầy cô còn phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các hoạt động của nhà trường….
|
Giáo viên Trường Tiểu học Bông Sao, quận 8, TPHCM được tăng cường hỗ trợ trẻ trong bữa ăn bán trú. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Chưa kể, ngoài giờ dạy học, giáo viên phải quan tâm, quản lý từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục các em. Với địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, giáo viên chủ nhiệm phải đến từng nhà động viên, khuyến khích các em đến trường.
“Đó đều là những công việc không tên mà nhiều người ngoài ngành sẽ không hiểu nếu chúng ta không làm rõ. Làm rõ thì mới có cơ sở để chúng ta thuyết phục về tạo cơ chế đặc thù tiền lương cho thầy cô”, ông Ngai nói.
Theo ông Ngai, khi đã khẳng định được lao động của nghề giáo là lao động đặc thù, cơ chế, chính sách tiền lương, đãi ngộ cũng theo hướng đặc thù. Trên cơ sở đánh giá công sức, thời gian của giáo viên, ngành giáo dục sẽ tính toán các mức lương, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp.