Thực trạng nhiều trường ĐH hiện thiếu hiệu trưởng đã đặt ra vấn đề về công tác quản lý và phát triển, nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi SV.
“Hiệu trưởng giống như thuyền trưởng, dẫn dắt, chèo lái con thuyền. Thiếu hiệu trưởng dẫn đến hoạt động của nhà trường không đạt hiệu quả như mong muốn, ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo và suy cho cùng học viên, sinh viên là người chịu thiệt”, ông Phạm Văn Hòa nhìn nhận, đồng thời đề xuất: Với trường chưa có hiệu trưởng, trước mắt Hội đồng trường có thể đề xuất, giao phó hiệu trưởng phụ trách đảm nhiệm công việc của hiệu trưởng để bảo đảm các hoạt động của nhà trường và quyền lợi của người học được hanh thông, thuận lợi.
Nhiều trường đại học khuyết ghế hiệu trưởng
Theo Nghị định 115 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời gian, đơn vị phải thực hiện quy trình bổ nhiệm/bổ nhiệm lại hiệu trưởng. Tuy nhiên, công tác này ở vài trường thực hiện chưa tốt dẫn đến tình trạng làm quy trình hiệu trưởng mới sau khi hiệu trưởng cũ nghỉ hưu gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra cũng có nhiều lý do là nhân sự trù bị được chọn thiếu một tiêu chí khiến công tác bổ nhiệm không thành buộc phải xoay sang hướng giao phụ trách hoặc quyền.
Đơn cử như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, khi PGS.TS Nguyễn Hay nghỉ hưu (năm 2020) chỉ còn PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng đủ điều kiện bổ nhiệm. Nhưng vì tiêu chuẩn tuổi quản lý không đủ nên PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng được Hội đồng trường giao phụ trách trường. Năm 2021, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng được giao nhiệm vụ quyền Hiệu trưởng nhà trường đến nay.
Tương tự, Trường ĐH Y Dược TPHCM, từ tháng 7/2020 khi Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Bộ Y tế công nhận với việc GS.TS Trần Diệp Tuấn “chuyển vai” từ Hiệu trưởng sang vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, đơn vị bước vào giai đoạn khuyết hiệu trưởng.
Sau ít tháng TS Ngô Đồng Khanh nghỉ hưu theo quy định, Trường ĐH Y Dược TPHCM chỉ còn 1 phó hiệu trưởng là PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc. Hội đồng trường ĐH Y Dược TPHCM đã trao quyết định về việc giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM đối với PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc.
Sau đó, khoảng hơn 1 năm (tới tháng 8/2022), Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TPHCM bổ nhiệm PGS.TS Ngô Quốc Đạt làm Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tới tháng 4/2023, PGS.TS Ngô Quốc Đạt được Bộ Y tế giao phụ trách Trường ĐH Y Dược TPHCM thay PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc.
Tại Trường ĐH Luật TPHCM, sau giai đoạn giữ vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách, rồi quyền Hiệu trưởng (tháng 11/2020), PGS.TS Trần Hoàng Hải chính thức nghỉ hưu từ tháng 5/2023. Hiện TS Lê Trường Sơn được Hội đồng trường giao giữ vị trí Phó Hiệu trưởng phụ trách từ 27/4/2023.
PGS.TS Trần Hoàng Hải cho biết, ở thời điểm quyết định giao nhiệm vụ (năm 2018 - 2020), ông thiếu tiêu chuẩn độ tuổi để bầu giữ chức hiệu trưởng; vì theo quy định người được bầu cần đủ tuổi trong nhiệm kỳ 5 năm trước khi về hưu.
Vì vậy, để trường tiếp tục giữ sự phát triển ổn định, Hội đồng trường quyết định giao nhiệm vụ cho ông cho tới khi có quyết định công nhận hiệu trưởng mới từ Bộ GD&ĐT. Và thực tế đã chứng minh vị trí chính thức (hiệu trưởng) hay không không tác động nhiều tới việc quản trị và phát triển nhà trường, bởi Trường ĐH Luật TPHCM vẫn phát triển và giữ vững vị thế là trường đào tạo về luật trọng điểm phía Nam.
Thực tế, việc các trường đại học khuyết hiệu trưởng gây ảnh hưởng đến người học và định hướng phát triển nhà trường như Trường ĐH Tôn Đức Thắng hay Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thời gian trước chủ yếu xuất phát từ việc nhân sự được bổ nhiệm không đúng quy trình; bổ nhiệm nhân sự từ ngoài nên chưa kinh qua quản lý về giáo dục khiến cán bộ chủ chốt trong nhà trường không đồng tình. Việc ký cấp bằng cho sinh viên vì thế bị ảnh hưởng.
|
TS Lê Trường Sơn được Hội đồng trường Trường ĐH Luật TPHCM giao giữ vị trí Phó Hiệu trưởng phụ trách từ 27/4/2023.
|
Thiếu đoàn kết, thống nhất
Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng một số trường đại học, một hiệu trưởng trường ngoài công lập cho rằng: Nguyên nhân chính xuất phát từ việc các trường không bầu được cấp ủy mới trong giai đoạn chuyển tiếp và làm quy trình nhân sự.
Thiếu sự lãnh đạo của Đảng nên công tác nhân sự nguồn cho vị trí hiệu trưởng thiếu sự thống nhất giữa cấp ủy và nguyện vọng của cán bộ chủ chốt trong trường. Trường hợp đã xảy ra ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là một ví dụ điển hình khi hiệu phó trong quy hoạch phút cuối không được cấp ủy thống nhất và thay bằng một trưởng khoa. Để rồi Bộ GD&ĐT không công nhận vì quy trình nhân sự có chỗ thực hiện sai.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Hải, nguyên quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, việc vài trường khuyết hiệu trưởng xuất phát từ nhiều lý do. Nhưng chủ yếu vẫn là nhân sự được nhắm đến bị thiếu một hay nhiều tiêu chí nào đó, trong khi nhân sự kế cận chưa đủ “độ chín” để bổ nhiệm. Giao quyền phụ trách để đảm bảo việc quản trị ổn định nhà trường là việc bất khả kháng.
“Nhiều người cứ lo lắng và quan ngại việc phó hiệu trưởng phụ trách hay quyền hiệu trưởng sẽ không giúp trường ổn định và phát triển đúng chiến lược đề ra, hay ảnh hưởng đến sinh viên. Thực tế và suy nghĩ đó là hoàn toàn sai. Vì hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng phụ trách đều phải nhận được sự tín nhiệm và đồng thuận lớn từ Hội đồng trường, cán bộ chủ chốt của trường.
Phó hiệu trưởng theo luật cũng được giao quyền hạn và nhiệm vụ như hiệu trưởng nên công tác quản lý hay ký phát bằng cho sinh viên không có gì khác biệt. Quan trọng là cái tâm và trách nhiệm của người được giao phụ trách với nhà trường, sinh viên thế nào? Còn ở Trường ĐH Luật TPHCM, 4 năm qua dù không có hiệu trưởng nhưng tôi tự tin khẳng định không có bất cứ sinh viên hay giảng viên, cán bộ quản lý nào bị ảnh hưởng quyền lợi, thậm chí trường còn có bước phát triển ấn tượng hơn cả giai đoạn trước”, PGS.TS Trần Hoàng Hải chia sẻ.
Giải pháp nào để “ghế nóng” không trống?
Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, nêu quan điểm, một cơ sở giáo dục đại học không có người ngồi ở vị trí chủ chốt trong thời gian dài chứng tỏ đơn vị đang đối diện với vấn đề mất đoàn kết nội bộ. Thiếu hiệu trưởng khiến cho công tác đầu tư, mua sắm và công tác xây dựng chiến lược phát triển nhà trường gặp nhiều khó khăn.
“Tôi không tin, với một cơ sở giáo dục đại học lại không thể lựa chọn được người vào vị trí này. Vấn đề đặt ra là, cần có sự thống nhất, đoàn kết nội bộ”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, và cho biết, với những cơ sở đào tạo để tình trạng này kéo dài, cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc.
Theo ông Phạm Văn Hòa, cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc không có nghĩa là làm thay hoặc “chen ngang” vào nội bộ của cơ sở đào tạo. Mục đích của việc này là tìm hiểu nguyên nhân để “bắt bệnh”; từ đó tư vấn, định hướng và đưa ra liệu pháp “trị liệu” phù hợp, hiệu quả.
Nhấn mạnh, thiếu hiệu trưởng là vấn đề đáng quan ngại, bà Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) bày tỏ, không phải ngẫu nhiên Nhà nước lại đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; trong đó có hiệu trưởng/giám đốc cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng trường đại học được coi như người “đứng mũi chịu sào”. Khuyết hiệu trưởng sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, đào tạo, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiều người cho rằng, thiếu hiệu trưởng nhưng nhà trường vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Minh nhìn nhận, đây là các hoạt động có tính chất ổn định hằng năm và thường xuyên, nó giống như việc “chạy theo quán tính”. Thực tế, có nhiều vấn đề cần quyết định của hiệu trưởng mà không ai có thể làm thay hoặc ký thay. Đơn cử như một số vấn đề liên quan đến tài chính, nếu không có chữ ký của hiệu trưởng sẽ khó giải quyết.
Còn những người được giao nhiệm vụ ủy quyền, đâu đó họ vẫn có tâm lý e ngại, “giữ mình” để tránh rủi ro. Từ thực trạng trên, đại biểu đoàn Quảng Trị nhấn mạnh, công tác nhân sự cần được kiện toàn chặt chẽ, nếu không dứt khoát và thiếu thủ lĩnh có thể dẫn đến hệ quả khó lường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.
Bà Hồ Thị Minh hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo đề xuất, cơ sở giáo dục đại học không được khuyết vị trí lãnh đạo chủ chốt quá 12 tháng. “Tôi cho rằng, quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, thay vì 12 tháng, Ban soạn thảo nên điều chỉnh theo hướng: Cơ sở giáo dục đại học không được khuyết vị trí lãnh đạo chủ chốt quá 6 tháng, sẽ hợp lý và phù hợp với thực tiễn hơn”, bà Hồ Thị Minh đề xuất.