Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những vấn đề nhất định phải “không” khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với các tỉnh vùng khó.
Cần khắc phục được “3 không”
Chiều 30/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông làm việc với tỉnh Lai Châu. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những trao đổi, gửi gắm tới địa phương nói riêng, các tỉnh vùng khó nói chung trong triển khai Chương trình GDPT 2018.
Bộ trưởng ghi nhận, đánh giá cao kết quả, nỗ lực, cố gắng của Lai Châu trong triển khai Chương trình GDPT 2018 nói riêng, giáo dục nói chung, dù đây là địa bàn thuộc nhóm khó khăn nhất. Điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với giáo dục và sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể đội ngũ trong ngành.
Tuy nhiên, để hoàn thành tốt Chương trình GDPT 2018 và phát triển giáo dục, Lai Châu phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng nhắc tới hiện trạng “3 không” mà địa phương cần khắc phục để tạo ra hậu thuẫn lớn cho giáo dục
“Không” thứ nhất là hiện nay trên địa bàn tỉnh không có bất kỳ một trường đại học, phân hiệu đại học hay trường cao đẳng sư phạm. Điều này sẽ khó khăn cho địa phương trong tập huấn, đào tạo nhân lực tại chỗ ở trình độ cao hơn và hỗ trợ hệ thống phổ thông. Ngoài ra, Lai Châu cũng không có trường quốc tế và chưa có trường phổ thông tư thục (hiện toàn tỉnh chỉ có một trường mầm non tư thục)".
“Sẽ có nhiều ảnh hưởng khác từ “3 không”, tạo cho chúng ta thêm các khó khăn. Đơn cử, với địa phương khác, việc giảm biên chế 10% là giảm người hưởng lương từ ngân sách, nhưng họ được chia sẻ từ hệ thống tự thục. Lai Châu thì không có được điều này. Việc không có trường đại học cũng thiếu đi một nguồn có thể hỗ trợ chúng ta rất nhiều. Nên trong thời gian tới, cần bớt được cái “không” nào tốt cái đó. Đặc biệt, phải tính đến việc cố gắng có một phân hiệu của giáo dục đại học để có thể tự bồi dưỡng giáo viên”, Bộ trưởng trao đổi.
Cùng với việc “3 không” phải chuyển thành “có”, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai mạnh hơn công tác chính trị, tư tưởng đối với lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đến người dân, cơ sở giáo dục về chủ trương lớn của Đảng là đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì đổi mới không chỉ riêng ngành Giáo dục và kết quả cũng không cho riêng ngành Giáo dục. Cùng với đó, phải bảo đảm ít nhất 20% ngân sách cho giáo dục theo đúng quy định trong Luật.
Bộ trưởng cũng lưu ý 2 vấn đề Lai Châu cần ưu tiên thực hiện. Đó là ưu tiên với việc kiên cố hóa trường học và vấn đề giáo viên. Cần có kế hoạch và hết sức chủ động về vấn đề này trước khi có được sự hỗ trợ.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn giám sát chụp ảnh lưu niệm cùng giáo viên Trường phổ thông DTNT tỉnh Lai Châu.
|
Những vấn đề nhất định phải “không”
"Càng tiếp xúc với cơ sở, gặp gỡ các thầy cô, các em học sinh, tôi càng cảm thấy lạc quan, tự tin hơn trong công tác chỉ đạo. Các thế hệ học sinh mới rất tự tin, phấn khởi. Thầy cô cũng quyết tâm, tự tin thực hiện công việc, dù thách thức còn nhiều. Mong Đoàn giám sát truyền tải thông tin ấm áp đó, lan tỏa trong Quốc hội, cũng như toàn xã hội. Nguồn năng lượng tích cực của cả ngành, cả quốc gia chắc chắn sẽ tốt hơn cho sự phát triển".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Nhấn mạnh có “3 không” phải chuyển sang “có”, Bộ trưởng đồng thời lưu ý một số vấn đề nhất định phải “không” khi triển khai chương trình mới.
Thứ nhất là không lệ thuộc vào sách giáo khoa một cách cứng nhắc và khuyến cáo của Bộ GD&ĐT không nên chọn duy nhất một bộ sách giáo khoa. Ví dụ, quá trình soạn các bài dạy trên truyền hình, Bộ GD&ĐT lưu ý soạn bài giảng trực tiếp theo chương trình, không theo bất kỳ bộ sách giáo khoa nào. Nếu lệ thuộc sẽ giảm đi sự chủ động, sáng tạo của giáo viên.
Thứ hai, cần hiểu đúng bản chất, không được cực đoan trong tiếp cận năng lực. Phát triển năng lực là một định hướng lớn, nhưng muốn có năng lực thì phải có kiến thức, kỹ năng, do đó không coi nhẹ vấn đề kiến thức. Khác là chúng ta không dừng ở kiến thức, không duy kiến thức, mà phải qua kiến thức, kỹ năng để hình thành năng lực.
Thứ ba, không máy móc trong dồn dịch điểm trường và rà soát quy hoạch. Việc bỏ hay xây thêm một điểm trường phải hết sức cân nhắc. Trong hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên cần dồn điểm trường để có thể vừa nuôi, vừa dạy trẻ. Nhưng cũng lại có nguyên lý là trẻ nhỏ cần cha mẹ, cực chẳng đã mới phải tách các em khỏi môi trường gia đình. Do đó, hết sức chú ý với những điểm trường xa quá 5km, 10 km.
Thứ tư là không ép buộc trong phân luồng và hướng nghiệp. Đây là mục tiêu lớn và phải vận động, thuyết phục, làm cho được; nhưng cũng vẫn phải chuẩn bị đầy đủ chỗ học và trường học khi các cháu có nguyện vọng học trung học. Phân luồng trên cơ sở thuyết phục, tự giác, tự nguyện; tuyệt đối không làm một cách ép buộc.
Cùng với đó, không được nóng vội, thành tích; không cầu toàn, cứng nhắc trong đổi mới; không chờ có đầy đủ mọi thứ mới thực hiện đổi mới.
“Không” cuối cùng được Bộ trưởng nhấn mạnh là không được tự ti trong hành động mà cần tự tin, mạnh dạn hơn trong đổi mới, phải nghĩ đến cả những lợi thế của các tỉnh nghèo. Lợi thế này, theo Bộ trưởng là các chính sách ưu tiên luôn đề cập đến nhóm các tỉnh khó khăn đầu tiên. Cùng đó, ở các vùng khó, tình trạng bạo lực học đường, các vấn nạn học đường rất thấp, trong khi chương trình mới lấy dạy người là trọng tâm, đây cũng là lợi thế cần khai thác...
Với đoàn giám sát ví như những người đang “bắt mạch” giáo dục phổ thông, Bộ trưởng thể hiện mong muốn các thành viên trong đoàn “giám” càng “sát” càng tốt, để phát hiện ra những vấn đề cần khắc phục, từ đó “bồi bổ”, nâng đỡ cho “cơ thể” giáo dục một cách bền vững.