Theo các chuyên gia, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số không phải là vấn đề của riêng ai.
Vấn đề đặt ra là, học ngành nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hiện nay.
Bắt nhịp với xu thế
Mấy năm gần đây, Trường Đại học Hà Nội mở những ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội như: Marketing kỹ thuật số, Truyền thông đa phương tiện, Nghiên cứu phát triển dành cho người làm hợp tác quốc tế… Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là những ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh chuyển đổi số.
Được coi là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà, ngành nông nghiệp đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự kiến tuyển sinh hơn 5.800 chỉ tiêu. Trong đó có nhiều ngành đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số như: Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số; Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Kỹ thuật điện, Điện tử và Tự động hoá…
GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Học viện có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nghiên cứu khoa học về các địa phương, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Học viện quan tâm chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. “Một trong những quan tâm của chúng tôi là, làm sao thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung” - GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Trao đổi về các giải pháp và hành động cụ thể, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, Học viện chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đổi mới cơ chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đào tạo. Cùng đó, quan tâm, chú trọng gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, giúp sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học.
“Chúng tôi, xác định học đi đôi với hành, gắn kết quá trình đào tạo với doanh nghiệp để sinh viên được thực hành, thực tập và trải nghiệm ngay tại các công ty, doanh nghiệp” - GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định.
|
Một lớp học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: NTCC.
|
Trang bị kiến thức, kỹ năng mới
Cho rằng, chuyển đổi số mang đến những thách thức trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa nhìn nhận, có nhiều ngành nghề cũ không còn thay vào đó là ngành mới ra đời, nên danh mục đào tạo cũng cần thay đổi. Để tận dụng cơ hội từ chuyển đổi nền kinh tế số, nhà trường tập trung vào các nhóm ngành nghề có triển vọng tăng trưởng, tiềm năng phát triển thời gian tới, gồm:
“Hàng năm, chúng tôi sẽ xem xét các ngành đào tạo phù hợp với sự phát triển của công nghệ 4.0 như: Ngành trí tuệ nhân tạo, rô bốt, cơ điện tử, sửa chữa ô tô…”, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh chia sẻ.
Công nghệ thông tin như: Phần mềm, an ninh mạng, dữ liệu... - đây là nhóm ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao. Ngành tự động hóa như: Cơ điện tử, điện tử, robot… Ngành về công trình về thủy lợi, xây dựng, công nghệ thông minh. Ngành công nghệ sinh học, khoa học môi trường phát triển bền vững. Ngành tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch. Nhóm ngành nghề liên quan đến sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng... Và ngành ngoại ngữ.
Tại Chương trình Tọa đàm về hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong bối cảnh chuyển đổi số không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, mà của toàn thế giới và là xu hướng tất yếu. Chúng ta cần nhìn nhận xu hướng này ở mặt tích cực để khai thác và có bước đi nhanh hơn, bắt kịp với thế giới.
Viện dẫn Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa bày tỏ, quyết định này chính là hành động cụ thể, quyết tâm, giúp chúng ta tiếp cận xu hướng. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, nhiều cơ hội lớn được hình thành và tác động bởi chuyển đổi số; trong đó có việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, trong quá trình chuyển đổi số sẽ có sự thay đổi lớn trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp. Hiện Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có những kế hoạch cụ thể nhằm quản lý và hình thành hệ thống dữ liệu lớn về nghề nghiệp. Đây sẽ là kênh phong phú để học sinh và phụ huynh tiếp cận.
Bên cạnh đó là sự đổi mới về phương pháp dạy và đào tạo nghề. Nếu chúng ta đi theo cách truyền thống, chắc chắn việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông sẽ tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta đang tiếp cận đổi mới đào tạo theo xu hướng chuyển đổi công nghệ số thì sẽ là một trong những điểm nhấn tác động tích cực tới học sinh, để các em tự tin hơn khi lựa chọn ngành học, trường học; trong đó có các trường nghề. Ngoài ra, với sự xuất hiện nhiều ngành nghề mới, việc tiếp cận theo xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp học sinh và phụ huynh nắm bắt, lựa chọn được những ngành nghề có sự ổn định và thu nhập cao hơn.
Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030, một số lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số mạnh mẽ, mang tính dẫn dắt như: Giáo dục, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng mới, tài nguyên môi trường, sản xuất nông nghiệp… PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quá trình chuyển đổi số làm cho các ngành nghề biến mất trong tương lai, đặc biệt ngành nghề mang tính chất lặp đi lặp lại, ở trình độ kỹ năng thấp. Để có thể làm chủ cuộc cách mạng số, người học phải có tri thức cao, kỹ năng hiện đại, cập nhật, nếu không sẽ bị lạc hậu.
Học sinh, sinh viên cần được trang bị kiến thức, kỹ năng mới. Hiện, các cơ sở giáo dục đại học đầu tư đúng hướng, từ giảng viên đến cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm… theo tiêu chuẩn quốc tế; từ đó khuyến khích các nguồn lực tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi nhìn nhận, hiện một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trên nền tảng số... là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, các ngành khoa học cơ bản, nhất là khoa học kỹ thuật vẫn luôn chiếm vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, cần có các chính sách để thu hút học sinh theo học các ngành này.