Nếu thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2024, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị quyết 27. Đây là thay đổi khiến nhiều giáo viên cảm thấy tiếc nuối.
Cô Trần Thị Hà (33 tuổi), giáo viên tiểu học đã đứng lớp được 10 năm tại Hà Nam cho biết, phụ cấp thâm niên nghề của giáo viên được bãi bỏ đồng nghĩa cô sẽ không nhận được 600.000 đồng hàng tháng như hiện tại.
Bên cạnh đó, phụ cấp thâm niên nghề không còn cũng ảnh hưởng một phần đến phụ cấp ưu đãi nghề giáo. Tính nhẩm nhanh, cô Hà cho hay, mỗi tháng thu nhập hao hụt khoảng 800.000 đồng. Số tiền này ảnh hưởng một phần đến cuộc sống hiện tại của cô bởi đồng lương giáo viên không được cao.
Dù vậy, cô Hà vẫn cảm thấy được an ủi khi cải cách tiền lương có thêm tiền thưởng. Theo ước tính của nữ giáo viên sẽ cao hơn phụ cấp thâm niên nghề một chút. Bởi số tiền thưởng được tính theo quỹ tiền thưởng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm. Với thay đổi này, cô Hà tự nhủ cố gắng hơn nữa để đạt được mức lương cao trong thời gian tới vì lương cao tiền thưởng hàng tháng cũng tăng lên.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, cô Hà vẫn mong muốn được giữ nguyên phụ cấp thâm niên. Bởi theo cô, nghề giáo, đặc biệt là giáo viên tiểu học, khá vất vả, nhiều áp lực, chỉ nên tăng phụ cấp chứ không nên bãi bỏ.
“Giáo viên tiểu học ở giữa lưng chừng vừa phải dạy kiến thức vừa phải dạy kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế. Những giáo viên dạy lớp 1 có nhiều vất vả bởi rất nhiều em học sinh từ mầm non lên vẫn chưa phát âm rõ chữ. Nếu giữ nguyên phụ cấp thâm niên chắc chắn sẽ giúp các thầy cô được an ủi, yên tâm bám nghề lâu dài để được hưởng phụ cấp”, cô Hà tâm sự.
Ở tuổi 43 nhưng đã được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, thầy Phạm Văn Hiển (Nam Định) không khỏi vui mừng. Niềm vui được nhân lên khi thông tin về chính sách cải cách tiền lương vào tháng 7.2024 giúp thầy an tâm và cảm thấy xứng đáng với những công lao trong suốt 21 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
“Nếu theo chính sách cải cách tiền lương, tôi sẽ nhận được mức lương cao hơn hiện tại. Bởi chính sách đặc biệt quan tâm đến vị trí và công lao trong công việc của người lao động. Đây cũng là điều tất cả mọi người đi làm đều háo hức, mong muốn vì họ đã đánh đổi bằng cả tuổi trẻ và sự nhiệt huyết mới đạt được”, thầy Hiển chia sẻ.
Tuy nhiên, nói về khoản phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ, thầy Hiển cũng tỏ ra không khỏi buồn bã: “Vô hình chung người ngoài không ai biết mình đã dạy được hơn 20 năm, chính sách này khiến tôi có cảm giác những đóng góp lâu năm ít được quan tâm”.
Bên cạnh đó, khi bãi bỏ phụ cấp thâm niên, thu nhập của thầy Hiển giảm khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Với gia đình 4 thành viên, cả hai vợ chồng đều làm giáo viên, điều này ít nhiều cũng khiến thầy Hiển phải tính toán lại chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và cố gắng hơn nữa trong công việc.
Nếu có thêm nguồn phụ cấp này, thu nhập của hai vợ chồng thầy Hiển tăng thêm hơn 2 triệu đồng chắc chắn sẽ khiến cuộc sống đỡ lo lắng, ổn định hơn.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Trong đó, cơ cấu tiền lương của cán bộ công chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Về cơ bản, chỉ bỏ phụ cấp thâm niên và phụ cấp công tác công tác đảng, đoàn thể chính trị-xã hội. Tuy nhiên, dù bỏ những khoản phụ cấp này thì vẫn phải đảm bảo quỹ phụ cấp phải chiếm 30% so với tổng quỹ lương của công chức nên lương công chức sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.
Mạnh Cường