Trong những năm gần đây, công tác giáo dục thể chất tại Trung Quốc ngày càng được chú trọng để giảm thiểu áp lực từ các cuộc thi khốc liệt.
Còn tại châu Âu, Estonia đang từng bước thực hiện chuyển đổi số cho các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường.
Giữa vòng xoáy thi cử
Trong những năm gần đây, giáo dục thể chất tại Trung Quốc ngày càng được chú trọng đầu tư và có sự bắt nhịp với giáo dục văn hóa. Khởi nguồn của đầu tư xuất phát từ những cảnh báo sức khoẻ khi học sinh nước này chịu áp lực quá lớn từ học tập.
Ngoài ra, ảnh hưởng từ Thế vận hội (Olympic) mùa đông Đông Bắc Kinh 2022, chính quyền trung ương và các địa phương cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất trong trường học. Đến nay, nguồn kinh phí chủ yếu để duy trì các hoạt động giáo dục thể chất trong trường học đến từ Bộ Giáo dục Trung Quốc và chính quyền các địa phương.
Có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục thể chất tại Trung Quốc, học giả Anni Kajanus phân tích: Giáo dục thể chất nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc do Bộ Giáo dục Trung Quốc xây dựng, được triển khai cho học sinh từ lớp 1 đến sinh viên năm thứ hai đại học. Đối với lớp 1 và 2, thời gian học thể dục hàng tuần là 4 giờ; lớp 3 – - 6 là 3 giờ. Ngoài ra, các trường tổ chức nhiều hoạt động thể dục - thể thao ngoại khóa như tập thể dục buổi sáng, giờ ra chơi, tổ chức thi đấu thể thao, câu lạc bộ thể thao sau giờ học...
Chuyên gia Anni Kajanus đánh giá, giáo dục thể chất tại Trung Quốc và phần lớn các quốc gia Đông Á khác hướng đến rèn luyện cho học sinh tính kỷ luật. Trong tiết Thể dục, các em dành nhiều thời gian học cách xếp hàng, đi đều, dàn hàng...
Ngoài ra, giáo dục thể chất cũng đặt nặng tính thi đua. Trong thời gian gần đây, môn Thể dục được đưa vào kỳ tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT tại nhiều địa phương. Thí sinh đạt thành tích thể dục - thể thao cấp quốc gia cũng được cộng điểm khi xét tuyển đại học. Do đó, bên cạnh sự đầu tư của chính quyền trung ương và địa phương, phụ huynh cũng chú trọng rèn luyện thể chất cho con cái.
Cha mẹ đăng ký cho con tham gia các lớp học thêm thể thao từ võ thuật, bóng rổ, bóng đá... đến trượt băng, bắn cung, cưỡi ngựa... Do vậy, học phí học thêm các bộ môn trên tương đối đắt đỏ.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chương trình giáo dục phổ thông không tổ chức dạy thể dục cho học sinh lớp 1 và 2. Nước này gần như là quốc gia duy nhất trên thế giới không có chương trình giáo dục thể dục cho học sinh những năm đầu tiểu học.
Cụ thể, học sinh lớp 1 và 2 học môn Tích hợp gồm thể dục, âm nhạc và nghệ thuật nhưng thời lượng cho từng phân môn không nhiều. Do đó, trẻ em ít có cơ hội trau dồi các hoạt động thể dục cơ bản. Môn học Thể dục được đưa vào từ chương trình lớp 3.
Về vấn đề cơ sở vật chất, nhiều trường học không có đủ trang thiết bị phục vụ môn học này. Nhiều trường không có sân chơi, bãi tập cho học sinh học thể dục.
Giáo dục thể chất tại Hàn Quốc cũng có xu hướng bị xem nhẹ khi so sánh với các môn văn hóa như Tiếng Hàn, Tiếng Anh, Toán học... bởi đây là những môn thi tuyển vào đại học và quyết định tương lai của thí sinh. Đây cũng là vấn đề mà Trung Quốc những năm trước đây và nhiều quốc gia châu Á khác phải đối mặt.
|
Trẻ em Phần Lan dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời, giảm thời gian ở trong lớp học. Ảnh: INT.
|
Đầu tư cho giáo dục thể chất
Tại châu Âu, giáo dục thể chất được quan tâm và đầu tư. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu, Phần Lan là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hoạt động thể chất.
Trên thực tế, cách đây gần 2 thập kỷ, Phần Lan là quốc gia có thành tích hoạt động thể chất tương đối thấp trong khu vực. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến 2012, chính phủ đã triển khai sáng kiến “Trường học Phần Lan di chuyển”, trong đó yêu cầu các trường học lồng ghép hoạt động thể chất vào học tập.
Ví dụ, học sinh được phép nghỉ giải lao ngắn trong tiết học; vừa đứng vừa làm bài tập. Các hoạt động nhóm yêu cầu trẻ phải di chuyển khỏi chỗ ngồi... Bên cạnh đó, thời lượng môn Thể dục và các hoạt động ngoài trời được tăng cường, thời gian học sinh ở trong lớp rút ngắn.
Các hoạt động thể chất được quy định trong Hiến pháp Phần Lan, Đạo luật Khuyến khích Thể thao và Hoạt động Thể chất, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe, Đạo luật Chính quyền Địa phương, Đạo luật Thanh niên, từ đó phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức trong việc tăng cường hoạt động thể chất. Nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục thể chất xuất phát từ Bộ Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, doanh nghiệp... Gần như, các cơ quan, tổ chức xã hội đều góp phần vào việc nâng cao hoạt động thể chất trong trường học.
Giáo dục thể chất tại Phần Lan không chỉ nằm trong hoạt động thể dục, thể thao mà còn góp phần giúp học sinh trau dồi kiến thức dinh dưỡng, giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe tinh thần... Đơn cử, học sinh tiểu học được dạy bơi lội còn lên trung học, các em học cách cứu hộ dưới nước.
Là một quốc gia ở châu Âu, Estonia đưa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào giáo dục thể chất. Trong giai đoạn dịch Covid-19, khi các hoạt động thể thao ngoài trời bị hạn chế, Liên đoàn Thể thao Trường học Estonia đã tích cực tổ chức hoạt động giáo dục từ xa bằng các trò chơi thông minh, thu hút hơn 30 nghìn học sinh tham gia.
Theo quy luật, mỗi người chơi phải hoàn thành một nhiệm vụ bất kỳ để được nâng cấp trong trò chơi. Sau khi vượt qua một số cấp nhất định, người chơi sẽ được cộng điểm, tặng quà hoặc trao thưởng. Các nhiệm vụ yêu cầu người chơi phải tập thể dục mức độ nhẹ phù hợp với không gian hẹp là ở trong nhà như đi bộ theo vòng tròn, chống đẩy...
Ứng dụng trò chơi được thiết kế trên nền tảng iOS hoặc Android, phù hợp sử dụng trong các thiết bị thông minh. Ứng dụng có thể đếm số bước chân, nhịp thở... nhằm đảm bảo học sinh làm nhiệm vụ nghiêm túc theo quy luật của trò chơi.
Các hoạt động dạy và học, trang bị cơ sở vật chất, nhân lực giáo dục thể chất cho học sinh phổ thông thuộc phạm vi quản lý của Liên đoàn Thể thao Trường học Estonia. Tổ chức này được chính quyền trung ương và Bộ Giáo dục cấp ngân sách hoặc kêu gọi xã hội hóa để gây quỹ hoạt động.