Đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT công bố có nhiều điểm mới...
Những điểm mới này được giáo viên, chuyên gia phân tích, từ đó áp dụng phù hợp trong dạy học, ôn tập.
Thêm định dạng câu hỏi trắc nghiệm
Phân tích đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi môn Toán, các thầy cô tổ Toán, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) nhận định: Đề sử dụng 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm. Dạng thức 1 là câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đã áp dụng trong nhiều năm nay. Dạng thức 2 là câu hỏi trắc nghiệm dạng đúng/sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời đúng/sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế việc dùng “mẹo mực” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Dạng thức 3 là câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Câu hỏi này đòi hỏi thí sinh có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế dùng “mẹo” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Việc thêm dạng thức câu hỏi trắc nghiệm trả lời ngắn đòi hỏi học sinh phải tư duy như hình thức tự luận. Dạng thức trả lời ngắn nhằm kiểm tra tư duy năng lực toán học ở mức cao hơn nên học sinh cần dành nhiều thời gian để có thể trả lời.
Thầy cô tổ Toán, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) đánh giá: Cấu trúc định dạng đề thi theo hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018, nhiều câu hỏi minh họa gắn với thực tiễn và khoa học. Đề thi đòi hỏi học sinh học chắc kiến thức, hiểu rõ bản chất mới có thể làm bài tốt.
Chia sẻ về một số điểm mới trong đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi môn Tiếng Anh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cô Giang Thị Như - Trường THPT Trần Quang Khải (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: Số lượng câu hỏi từ 50 giảm xuống còn 40; thời gian làm bài từ 60 phút giảm xuống còn 50 phút. Đề không còn dạng bài chữa lỗi sai và biến đổi câu, nối câu; thay vào đó là hoàn thành câu trong một đoạn văn, vì vậy độ khó tăng hơn. Học sinh cần có kỹ năng đọc hiểu sâu, tư duy logic đồng thời phải có vốn từ vựng và ngữ pháp tốt. Đề đồng thời có phần sắp xếp câu theo thứ tự đúng để tạo thành một đoạn văn hoặc lá thư hoàn chỉnh. “Có thể thấy, mức độ đề khó, phân loại mạnh và tập trung nhiều hơn vào kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic”, cô Giang Thị Như cho hay.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh. Ảnh: ITN
|
Hạn chế yếu tố may rủi
Với đề minh họa môn Lịch sử, cô Vũ Thị Anh - Trường THPT Ân Thi (Ân Thi, Hưng Yên) nhận thấy, phần trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn có 24 câu chiếm 60%. Cấp độ nhận thức ở mức nhận biết, hiểu nên học sinh có lực học từ trung bình trở lên sẽ trả lời được; mức điểm có thể đạt được tối đa là 6, đáp ứng được mục tiêu kỳ thi. Phần 2 trắc nghiệm đúng/sai gồm 16 câu chiếm 40%. Cách hỏi trên yêu cầu học sinh có lực học từ khá trở lên, nắm chắc kiến thức cơ bản, có khả năng phân tích, lý giải, so sánh, đối chiếu, liên hệ.
“Từ 25 - 40 là những câu hỏi đánh giá năng lực và tư duy học sinh thông qua cách hỏi đọc - hiểu; tư duy, phân tích, xâu chuỗi các sự kiện hiện tượng thì học sinh sẽ tìm ra câu trả lời đúng/sai. Điều này hạn chế việc trả lời “bừa”, may rủi; đánh giá được khả năng, năng lực tư duy của học sinh, đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, đưa ra cấu trúc như vậy, khi làm đề thi chính thức yêu cầu phải bảo đảm đúng định dạng; tránh việc đề khó hơn, dữ liệu hỏi mang tính “đánh đố” học sinh”, cô Vũ Thị Anh lưu ý.
Phân tích đề minh họa môn Hóa học, thầy Đặng Xuân Chất - Trường THPT Ban Mai (quận Hà Đông, Hà Nội) nhận định: Đề gồm 40% câu hỏi mức độ nhận biết, 30% câu hỏi mức độ thông hiểu và 30% câu hỏi mức độ vận dụng. Câu hỏi trong đề minh họa mới được chọn trong chương trình Hóa học 10 nhưng cũng cho thấy sự phủ đều các mảng kiến thức. Các câu hỏi đi vào bản chất hóa học nhiều hơn, không còn sự xuất hiện các câu hỏi tính toán không thực tế. Đề thi có khả năng đánh giá được năng lực người học thay vì chỉ tập trung vào kiến thức như trước.
Phần II tuy chỉ có 2 đáp án đúng/sai, song đòi hỏi học sinh có kiến thức hóa học chắc chắn. Trong đề chưa có nhiều câu hỏi thể hiện sự phân loại học sinh ở mức điểm cao (8 - 10 điểm), nhưng có lẽ những câu hỏi này sẽ tập trung nhiều ở phần III. Đồng thời dựa trên mẫu phiếu trả lời và cách ra đề của đề minh họa có thể thấy đáp án các câu hỏi phần này là đáp án dạng số, như số lượng chất, khối lượng phân tử, số lượng nguyên tử của các nguyên tố.
|
Giờ Ngữ văn tại Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: NTCC
|
Lưu ý trong dạy học, ôn tập
Là chủ biên Chương trình môn Vật lý, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT tổng thể, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh - Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Bất kỳ quá trình giáo dục nào cũng nhằm tạo ra biến đổi của người học theo mục tiêu giáo dục. Muốn biết những biến đổi đó đạt mức độ nào, phải đánh giá được hành vi người học trong một tình huống cụ thể. Việc đánh giá không chỉ nhằm xác định mức độ tiến bộ, thành công của người học, mà còn xác định mức độ phù hợp của mục tiêu, nội dung, phương pháp và quá trình giáo dục.
Cần đặc biệt lưu ý, đánh giá năng lực người học không phải chỉ được thực hiện qua các kỳ thi, mà kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; đánh giá thường xuyên và định kỳ. Trong đánh giá, phải phối hợp hợp lý việc đánh giá của giáo viên với đồng đẳng và tự đánh giá của học sinh; đánh giá qua quan sát hoạt động nhóm ở trong và ngoài lớp học, quan sát thao tác thực hành, thí nghiệm, phân tích các bài thuyết trình; đánh giá qua vấn đáp, bài tập, bài kiểm tra, vở ghi chép, bản báo cáo kết quả thực hành, kết quả dự án học tập, kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và các hồ sơ học tập khác. Đặc biệt, cần kết hợp đánh giá theo hình thức tự luận với trắc nghiệm khách quan một cách hợp lý.
Từ những lưu ý chung nói trên, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh đưa ra lưu ý cụ thể trong dạy học, ôn tập để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Theo đó, do tính đặc thù nên Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nước ta đang sử dụng hình thức đánh giá trắc nghiệm khách quan, vẫn quen gọi là thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn.
Thi trắc nghiệm trên giấy không thể đánh giá được các năng lực của học sinh theo yêu cầu chương trình giáo dục. Ví dụ, đối với môn Ngoại ngữ, trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, bài thi tốt nghiệp THPT chỉ có thể tập trung vào đánh giá kỹ năng đọc hiểu các loại văn bản, kỹ năng về từ ngữ, ngữ pháp.
Từ năm 2025, nhằm đánh giá tốt hơn năng lực người học, giảm xác suất đoán mò, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi về định dạng câu hỏi thi. Ngoài dạng câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn (multiple choise item) quen thuộc, có thêm dạng câu trắc nghiệm đúng/sai (yes/no item) và trả lời ngắn (short answer item).
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, trong dạy học ở nhà trường, theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, cần chú ý một số điểm sau đây:
Thứ nhất: Phải đảm bảo sao cho học sinh đạt được các yêu cầu về phẩm chất và năng lực quy định ở Chương trình tổng thể và các chương trình môn học/hoạt động giáo dục.
Thứ hai: Dạy và học thực chất. Dạy học không phải chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, bước đầu giải quyết được vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức, kỹ năng đã học.
Thứ ba: Để đánh giá được năng lực của học sinh, phải thiết kế các tình huống xuất hiện vấn đề cần giải quyết, giúp học sinh bộc lộ năng lực. Trong đánh giá năng lực người học, có thể vận dụng dạng thức mới về câu hỏi thi mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành, kết hợp các hình thức đánh giá khác như đã nói trên.
|
Cô Vũ Thị Anh - Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) và học trò. Ảnh: NVCC
|
Lưu ý khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi
Đưa một số gợi ý giúp các nhà trường, giáo viên khi sử dụng định dạng mới để lập ngân hàng câu hỏi thi, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh nhắc đến đầu tiên là bảng năng lực và cấp độ tư duy. Theo đó, ở ma trận đề thi theo nội dung quen dùng, cột đầu tiên bên trái thường liệt kê các chương, mục; các cột tiếp theo là mức độ tư duy tăng dần: Biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Ở định dạng đề thi mới của Bộ GD&ĐT, thay cho ma trận nội dung là bảng năng lực và cấp độ tư duy. Bảng này khác với ma trận đề thi theo nội dung ở cột đầu tiên bên trái và cột tiếp theo. Trong bảng năng lực và cấp độ tư duy, cột đầu tiên là các năng lực/thành phần năng lực cần đánh giá, ở cột tiếp theo được phân thành ba nhóm theo ba phương thức câu hỏi và trong mỗi nhóm có cột biết, hiểu, vận dụng (theo đúng Chương trình GDPT 2018 và không chia thành vận dụng, vận dụng cao như ma trận theo nội dung).
Như vậy, định dạng mới nhằm đánh giá năng lực học sinh. Vì thế, nội dung khoa học được chọn là chất liệu để xây dựng câu hỏi đánh giá năng lực. Đây là điều cần chú ý khi xây dựng câu hỏi/ngân hàng đề thi mới.
Về câu trắc nghiệm đúng/sai (yes/no item) ở phương thức II, theo PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, đây không đơn thuần là dạng câu hỏi đúng/sai truyền thống; trong đó, thí sinh phải lựa chọn một trong hai phương án trả lời để khẳng định nhận định đó là đúng hay sai. Trong định dạng mới của Bộ GD&ĐT, ở phương thức II, mỗi câu hỏi loại này gồm bốn lệnh hỏi nhằm đánh giá toàn diện hơn một vấn đề bao gồm bốn ý (a, b, c, d) có mức độ tư duy tăng dần.
Cần chú ý, mỗi năng lực hoặc thành phần cụ thể của năng lực đều có nhiều biểu hiện. Phương thức II nhằm đánh giá những biểu hiện của một năng lực hoặc các thành phần năng lực đó. Vì vậy, khi xây dựng câu hỏi cho phương thức II, giáo viên cần nhận thức rõ biểu hiện của năng lực hoặc thành phần năng lực mà mình muốn đánh giá thông qua việc khai thác một nội dung (kiến thức, kỹ năng) hoặc kết hợp nhiều nội dung. Câu hỏi thuộc phương thức này bao gồm bốn lệnh hỏi và nên hỏi về một vấn đề hoàn chỉnh theo mức độ tăng dần của cấp độ tư duy.
Về câu trắc nghiệm trả lời ngắn (short answer item) ở phương thức III, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh nhấn mạnh, câu hỏi dạng này đòi hỏi trả lời bằng ký tự số. Hơn thế nữa, thí sinh chỉ được phép trả lời trong giới hạn 4 ký tự và không được viết dưới dạng phân số. Khi xây dựng câu hỏi thi, giáo viên cần lựa chọn các nội dung sao cho có thể tạo được các câu hỏi với đáp số thỏa mãn yêu cầu này.
“Nhìn chung, với cấu trúc đề đã công bố sẽ thay đổi khá nhiều trong cách thức kiểm tra đánh giá nói riêng và hoạt động dạy - học ở phổ thông nói chung. Theo tôi, đây là tín hiệu tích cực và đáng được mong chờ. Tuy vậy, vẫn cần ít nhất 1 đề minh họa nữa mang đầy đủ nội dung của toàn bộ chương trình THPT để giáo viên, học sinh có cái nhìn rõ, toàn diện hơn nữa qua đó chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025”. - Thầy Đặng Xuân Chất (Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội)