GS.TSKH Đỗ Đức Thái, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ liên quan đến phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Quan niệm đúng sẽ xác định đúng mục tiêu của kỳ thi
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024 tổ chức ngày 20/9, từ góc độ chuyên gia, khi nói về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TSKH Đỗ Đức Thái cho rằng có 3 vấn đề chính nổi lên.
Thứ nhất: quan niệm về kỳ thi tốt nghiệp THPT nên như thế nào cho đúng trong bối cảnh đất nước sau 2025? Quan niệm đúng sẽ xác định đúng mục tiêu của Kỳ thi. Đây là khâu then chốt.
Thứ hai: phương thức và cách thức tổ chức Kỳ thi nên như thế nào?
Thứ ba: dạng thức đề thi, xây dựng ngân hàng đề thi cho những môn thi trong Kỳ thi như thế nào?
Trước khi trả lời những câu hỏi này, GS Đỗ Đức Thái chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT.
Theo đó, với nước Nga, nếu học sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT thi 2 môn bắt buộc là Tiếng Nga và Toán. Học sinh có nguyện vọng học lên CĐ, ĐH, phải thi những môn theo yêu cầu của trường ĐH, CĐ tương ứng.
Tại Mỹ, theo cập nhật gần đây, chỉ còn 8 bang của nước này còn duy trì thi tốt nghiệp THPT; còn lại chuyển về cho các nhà trường THPT cấp bằng tốt nghiệp trên cơ sở hồ sơ chứng minh năng lực.
Nhật Bản không có kỳ thi tốt nghiệp THPT và giao tuyển sinh cho trường ĐH. Hàn Quốc cũng không phải qua kỳ thi tốt nghiệp quốc gia để xét tốt nghiệp THPT. Trung Quốc, thi tốt nghiệp THPT gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Trung văn, Tiếng Anh và 1 môn lựa chọn.
Từ tháng 6/2021, Chính phủ Pháp phê duyệt và bắt đầu áp dụng hình thức thi tú tài mới. Cụ thể, xét tú tài từ 40% điểm đánh giá trong quá trình học, nhất là điểm lớp 11 và lớp 12; 60% dựa vào tổng số điểm tốt nghiệp.
Australia không có bài thi tốt nghiệp quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đều được tổ chức trên nguyên tắc là kỳ thi của trường.
Như vậy, không có câu trả lời đơn nhất, đúng, sai cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mỗi cách đều phục vụ một cách hiệu quả nhất mục đích của hệ thống giáo dục quốc gia.
Tuy nhiên, có một điểm chung ở các nước trên là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, nhằm phát huy sở trường của học sinh.
“Vì giáo dục phổ thông là nơi lưu trữ, bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc dân tộc và nền văn hóa dân tộc, nên chúng ta phải xây dựng cho được quan điểm, mục tiêu, phương thức, cách thức công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh của chúng ta trên phương châm giải quyết những vấn đề cụ thể của nền giáo dục Việt Nam trong hoàn cảnh cụ thể của đất nước”, GS Đỗ Đức Thái nêu quan điểm.
Đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị, học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời học sinh sau này. Từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học. Để đạt được điều đó không thể dùng biện pháp hành chính, bắt buộc thi môn học để buộc học sinh phải học môn học đó.
GS.TSKH Đỗ Đức Thái
6 quan điểm có tính nguyên tắc
Theo GS Đỗ Đức Thái, chúng ta phải bắt đầu từ nguyên tắc, cơ sở khoa học chắc chắn; khi đó việc lập luận các phương thức, cách thức, dạng thức tổ chức thi mới thuyết phục mọi người, xã hội.
Những quan điểm có tính nguyên tắc, tiếp cận đến kỳ thi tốt nghiệp THPT được GS Đỗ Đức Thái đưa ra như sau:
Thứ nhất, đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Thứ 2, cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu có chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, chứ không đóng vai trò trực tiếp. Bộ GD&ĐT nên khuyến khích các trường đại học, cao đẳng tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh với phương thức tuyển sinh phù hợp với từng nhà trường.
|
Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ Kỳ thi năm 2024.
|
Thứ 3, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo nêu rõ: THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Như vậy, phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT phải trực tiếp góp phần thực hiện thành công chỉ đạo của Nghị quyết 29 về những định hướng nghề nghiệp cho THPT, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.
Thứ 4, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT phải trực tiếp góp phần quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh phát triển toàn diện năng lực phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, trở nên đặc biệt theo cách của riêng mình và trở thành một phần đáng tự hào của Tổ quốc, dân tộc Việt Nam, tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu.
Thứ 5, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng trên cơ sở, nguyên tắc: bối cảnh thời đại, xác định nhu cầu phát triển của đất nước. Nhu cầu đó quyết định nhu cầu phát triển của nguồn nhân lực. Điều đó lại quyết định mục tiêu giáo dục phổ thông. Mục tiêu giáo dục phổ thông chi phối toàn bộ những yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực, về nội dung dạy học, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá.
Như vậy, đánh giá giáo dục, trong đó có thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp THPT là khâu cuối cùng trong cả tiến trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đó. Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông; thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh.
Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý “học gì thi nấy”; không để xảy ra kiểu đánh giá giáo dục tiểu tiết, chi phối mục tiêu giáo dục; tức không để xảy ra việc “thi gì, học nấy”.
Thứ 6, đối với mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần tạo dựng niềm tin cho học sinh và cha mẹ học sinh về giá trị, học vấn của môn học đó mang lại cho cuộc đời học sinh sau này. Từ đó động viên, lôi cuốn học sinh vào môn học. Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học của mỗi môn học. Để đạt được điều đó không thể dùng biện pháp hành chính, bắt buộc thi môn học để buộc học sinh phải học môn học đó.
|
Gọi thí sinh vào phòng thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh tư liệu.
|
Đề xuất 2 phương án chọn môn thi bắt buộc
Từ những phân tích nói trên, GS Đỗ Đức Thái đề nghị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên quy mô toàn quốc.
Đối với môn bắt buộc, lựa chọn một trong hai phương án: Phương án 1 gồm: Toán, Ngữ văn; phương án 2 gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Môn tự chọn là hai môn học sở trường được học sinh chọn từ những môn học được giảng dạy ở THPT.
Xây dựng định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT phù hợp với chương trình mới
Về xây dựng định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo GS Đỗ Đức Thái, đây là chủ đề khó, xứng đáng bàn thảo trong một vài ngày ở hội nghị lớn, gồm các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên.
Quan điểm cá nhân, GS cho rằng, để tạo ra một cơ sở khoa học chắc chắn cho việc xây dựng định dạng câu hỏi thi tốt nghiệp THPT phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 3 việc chúng ta phải làm ngay trước mắt.
Thứ nhất: làm rõ vai trò, mục đích Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.
Thứ hai: nghiên cứu chuẩn hóa chương trình các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba: xây dựng bộ chuẩn đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh và bộ công cụ đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh ở mỗi môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khi những vấn đề trên được làm rõ thì việc xác định dạng thức đề thi tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể giải quyết được một cách khoa học, bài bản.
Công việc quan trọng tiếp theo trong xây dựng câu hỏi, đề thi tốt nghiệp THPT là xây dựng đội ngũ chuyên gia, giáo viên ra đề thi. Đây chính là người quyết định chất lượng của đề thi.
GS Đỗ Đức Thái đề xuất 3 nguồn huy động đội ngũ ra đề thi, đó là: Ban xây dựng và phát triển chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các tác giả chủ chốt của các bộ sách giáo khoa; các chuyên gia, giáo viên phổ thông cốt cán có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng đề thi.