Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo xu hướng chọn ngành, trường tốp trên.
Các chuyên gia cho rằng, lựa chọn này không bảo chứng cho các em thành công sau này.
Giải mã băn khoăn
Theo ông Lê Nam - Giám đốc Phát triển kinh doanh MindX schools (Hà Nội), học sinh nên lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích; không nên đăng ký nguyện vọng chỉ vì tên ngành học thời thượng; cũng không thể chạy theo phong trào vì nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng… Đặc biệt, càng không thể lựa chọn chỉ vì đó là những ngành, trường tốp trên. Nhiều thí sinh suy nghĩ, lựa chọn ngành này ra trường dễ xin việc và dễ thành công hơn.
Luật sư Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cho hay, thực tế có thí sinh coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp. Các em chọn nghề không đúng năng lực, tính cách bản thân. Có em chọn ngành học theo số đông, hoặc theo áp đặt của gia đình, thậm chí lựa chọn theo rủ rê của bạn bè… Nhiều em nghĩ mình có học lực khá, giỏi nên lựa chọn những ngành, trường tốp trên mà không cần biết bản thân phù hợp hay không.
Tuy nhiên, việc lựa chọn ngành, trường tốp trên không đảm bảo cho các em thành công trong công việc sau này. Trước khi đăng ký xét tuyển, cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình theo đuổi; đồng thời tham khảo thêm ý kiến người khác để có hướng đi riêng.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc chọn đúng ngành rất quan trọng vì đây mới là yếu tố định hướng phát triển cá nhân. Nếu chúng ta vào được ngành tốp trên và ngành đó lại nằm trong trường tốp trên thì rất tốt. Nhưng rõ ràng ở những trường tốp trên, với những ngành học giàu sức hút thì mức độ cạnh tranh cao, các bạn giỏi cũng mong muốn được theo học.
“Sự thành công phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân rất nhiều. Nếu đủ nỗ lực, kiên trì, kiên định, không mệt mỏi để phát triển toàn diện thì ở môi trường nào, chúng ta cũng thành công” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, đồng thời phân tích, một cá nhân xuất sắc nhưng khi vào môi trường toàn những người xuất sắc hơn có nguy cơ rơi vào stress, mất tự tin… Khi không còn là người đứng đầu sẽ mất đi rất nhiều lợi thế.
Ngược lại, các cá nhân nỗ lực, vượt lên trở thành người xuất sắc nhất ở các trường tốp trên sau lại dành nhiều cơ hội cho mình, khẳng định bản thân, trở thành chuyên gia ở những lĩnh vực cụ thể. “Ở lĩnh vực hẹp, ít người để ý lại chính là cơ hội để các em phát triển, trở thành chuyên gia cao nhất trong lĩnh vực đó. Nên tôi luôn khuyến khích các em, sự nỗ lực, tự thân vô cùng quan trọng…” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy gợi mở.
|
Học sinh tìm hiểu về các ngành đào tạo của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
|
Sai lầm cần tránh
Từng giải quyết nhiều trường hợp rất giỏi, thi đỗ những trường hàng đầu của Việt Nam theo đúng ý nguyện của bố mẹ; tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, sau 2 năm học, có sinh viên nhất định xin chuyển trường sang lĩnh vực khác vì đó mới là lĩnh vực em yêu thích. Như vậy, bạn sinh viên này đã mất 2 năm học, bỏ lỡ nhiều cơ hội...
“Việc hỗ trợ chuyển trường, ngành cho những sinh viên này cũng rất khó, bởi còn liên quan đến trường chuyển đến và đi, cùng nhiều vấn đề khác về mặt thủ tục, quy trình” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ. Đây là ví dụ để thấy rằng, lựa chọn ngành đào tạo đúng ngay từ đầu quan trọng đối với thí sinh, tránh những đáng tiếc, hối hận sau này.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn, khi chọn ngành, thí sinh phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra, khi lựa chọn ngành, những lời khuyên, tư vấn của người xung quanh rất có giá trị. Việc lựa chọn đi theo ngành học giàu tiềm năng cũng là điều tốt. Nhưng chính các em phải là người hiểu bản thân mình và đưa ra quyết định.
Nhiều năm làm về công tác tuyển sinh và đào tạo, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đưa ra lời khuyên, thí sinh đừng vội chọn trường mà thực hiện theo 4 bước.
Đầu tiên, hãy xem mình đam mê, yêu thích với ngành nghề nào. Bước hai, hãy nghĩ đến năng lực bản thân. Các em suy nghĩ xem có đủ khả năng để theo đuổi đam mê, đáp ứng những yêu cầu của ngành này hay không. Nếu chỉ yêu thích nhưng năng lực có hạn thì cũng không nên theo đuổi.
Bước ba, ngoài đam mê, năng lực, thí sinh cần xem xét điều kiện gia đình và vị trí địa lý phù hợp không. Bản thân các em muốn học, nhưng gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng thì cũng khó theo đuổi. Bước thứ tư, thí sinh nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Nhiều khi các em thích ngành này chỉ là “cảm tính” hoặc chạy theo số đông, nên cần tham khảo thêm ý kiến của mọi người.
Sau khi xác định được ngành nghề phù hợp theo 4 bước trên, các em mới tiến đến chọn trường có đào tạo ngành nghề mà mình yêu thích. “Nhiều thí sinh bây giờ đua nhau chọn trường trước rồi mới chọn ngành, điều này có thể dẫn đến sai lầm” - PGS.TS Phạm Văn Bổng nói.
Nhắn nhủ với phụ huynh, thí sinh; PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, hiện nay có nhiều kênh tư vấn, cung cấp thông tin, giúp thí sinh hiểu biết sâu hơn về ngành học. Qua đó, tạo thuận lợi cho các em trong lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần chắt lọc, chọn kênh thông tin tin cậy; sau đó cần tự hỏi bản thân có đam mê, sở trường, ham thích hay có năng lực, tố chất về chuyên ngành đó không?
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để lựa chọn được kênh thông tin tin cậy? PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh: Phụ huynh, các thầy cô giáo ở bậc phổ thông, báo chí là những kênh cung cấp thông tin chính xác, trung thực nhất. Những nguồn thông tin này giúp thí sinh nhìn nhận rõ ràng hơn về bức tranh xã hội, cũng như nhu cầu phát triển, yêu cầu nguồn nhân lực. Qua tham khảo các nguồn tin, các em sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, điều thuận lợi cho thí sinh là Quy chế của Bộ GD&ĐT cho đăng ký nhiều nguyện vọng. Vì vậy, các em hãy chọn ngành mà mình tâm đắc, phù hợp với đam mê nhất để đưa lên nguyện vọng đầu tiên.