Sửa quy chế thi chọn HSG quốc gia; chính sách với viên chức giáo vụ, thiết bị, thí nghiệm; điều lệ trường CĐSP... có hiệu lực từ tháng 2/2023.
Sửa đổi Quy chế thi chọn HSG quốc gia
Ngày 11/1/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 21/2/2023.
Những sửa đổi liên quan đến: Đối tượng và điều kiện dự thi; số lượng thí sinh; hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia…
Cụ thể, theo Quy chế sửa đổi, đối tượng và điều kiện dự thi là thí sinh là học sinh đang học ở cấp THPT, có xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) từ khá trở lên theo kết quả cuối kỳ (hoặc năm học) liền kề với kỳ thi và được chọn vào đội tuyển của đơn vị dự thi.
Số lượng thí sinh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được quy định như sau: Đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi (trừ đơn vị dự thi Hà Nội) có tối đa 6 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 10 thí sinh.
Đội tuyển mỗi môn thi của đơn vị dự thi Hà Nội có tối đa 12 thí sinh. Đội tuyển có đủ số lượng tối đa thí sinh dự thi và có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong 2 kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp được Bộ GD&ĐT xét tăng đến tối đa 20 thí sinh.
Thông tư số 02/2003/TT-BGDĐT cũng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 18 về hồ sơ thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Theo đó, yêu cầu học bạ chính của cấp học (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức trước khi kết thúc học kỳ I của năm học); hoặc phiếu xác nhận xếp loại hạnh kiểm (hoặc rèn luyện) và học lực (hoặc học tập) của học kỳ liền kề với kỳ thi của từng thí sinh, có xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường (trong trường hợp kỳ thi được tổ chức ngay sau khi kết thúc học kỳ I của năm học).
Điều khoản chuyển tiếp: Số lượng thí sinh trong đội tuyển mỗi môn thi của từng đơn vị dự thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023 tiếp tục giữ ổn định theo số lượng thí sinh được đăng ký tối đa trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.
|
Ảnh minh họa/ITN.
|
Chính sách với viên chức thiết bị, thí nghiệm trong trường học
Ngày 28/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 21/2022/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức thiết bị, thí nghiệm trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập. Thông tư có hiệu lực từ 12/2/2023.
Theo Thông tư, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm là V.07.07.20.
Các nhiệm vụ của viên chức thiết bị, thí nghiệm được quy định tại Thông tư này gồm:
Quản lý, bảo quản, sử dụng thiết bị; lưu giữ, sử dụng hồ sơ thiết bị; sửa chữa những thiết bị đơn giản.
Lập kế hoạch sử dụng, mua sắm, sửa chữa thiết bị của nhà trường; báo cáo và đề xuất với hiệu trưởng nhà trường phương án thanh lý, tiêu hủy thiết bị, hóa chất hỏng, hết hạn sử dụng.
Lập báo cáo định kỳ, thường xuyên về công tác thiết bị, thí nghiệm. Chủ trì các nội dung sinh hoạt chuyên đề về thiết bị, thí nghiệm ở trường. Chủ trì thực hiện việc khai thác phần mềm ứng dụng quản lý thiết bị. Chủ trì việc tổ chức làm đồ dùng dạy học, thiết bị đơn giản với vật liệu dễ kiếm ở địa phương.
Phối hợp với giáo viên chuẩn bị các thiết bị, hóa chất và vật liệu cần thiết trong các bài thực hành, thí nghiệm; đảm bảo các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ trong quá trình thực hành, thí nghiệm.
Phối hợp tổ chức, đánh giá các cuộc thi khoa học kỹ thuật của học sinh có liên quan đến thí nghiệm từ cấp trường trở lên. Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Viên chức thiết bị, thí nghiệm cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành Công nghệ thiết bị trường học (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm thiết bị, thí nghiệm ở trường trung học). Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm theo quy định.
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm áp dụng bảng lương viên chức loại A0 tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
|
Ảnh minh họa/ITN. |
Chính sách với viên chức giáo vụ
Ngày 28/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2023. Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức giáo vụ trong trường phổ thông dân tộc nội trú; trường trung học phổ thông chuyên; trường dự bị đại học và trường dành cho người khuyết tật công lập.
Theo Thông tư, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ là V.07.07.21.
Viên chức giáo vụ có nhiệm vụ: Lập kế hoạch, thực hiện công tác giáo vụ hàng năm của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định. Quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách của nhà trường liên quan đến học sinh. Phối hợp thực hiện công tác tuyển sinh và các nhiệm vụ được giao liên quan đến thi, kiểm tra, đánh giá học sinh. Phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường quản lý, theo dõi học sinh hàng ngày; tổng hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Về tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, viên chức giáo vụ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên các chuyên ngành khác phù hợp với vị trí việc làm giáo vụ). Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ theo quy định.
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức giáo vụ mã số V.07.07.21 quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
|
Ảnh minh họa/ITN.
|
Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Ngày 28/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT, hiệu lực từ 20/2/2023. Thông tư này ban hành kèm theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, bao gồm: tổ chức bộ máy; hoạt động; giáo viên, nhân viên; trẻ em, học sinh và học viên; tài chính và tài sản; quan hệ giữa Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập với các cơ quan, tổ chức khác.
Theo Thông tư, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Sở GD&ĐT quản lý, được tổ chức theo hai loại hình: công lập và tư thục.
Nhiệm vụ của Trung tâm là đánh giá, xác định khả năng và phân loại nhu cầu giáo dục đối với trẻ em có dấu hiệu khiếm khuyết hoặc dấu hiệu suy giảm chức năng, học sinh khuyết tật để can thiệp giáo dục sớm hoặc tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp cho từng đối tượng.
Đồng thời, hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Tổ chức dạy học và giáo dục cấp học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đối với học sinh khuyết tật để học sinh khuyết tật có thể tham gia giáo dục hòa nhập hoặc hòa nhập cộng đồng. Bồi dưỡng, tư vấn cho người khuyết tật và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có nhu cầu về tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp…
Quy chế tổ chức, hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên
Ngày 6/1/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 1/2023/TT-BGDĐT, hiệu lực thi hành từ 22/2/2023. Thông tư ban hành kèm Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Cụ thể, Quy chế này quy định tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, bao gồm: Tổ chức, bộ máy; tổ chức hoạt động giáo dục; giáo viên và nhân viên; học viên; tài chính và tài sản; quan hệ giữa trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với cơ quan, tổ chức khác.
Trung tâm là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT; hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đặt trụ sở chính.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo. Trong đó có: Chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân (bao gồm: Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông).
Trung tâm cũng tổ chức thực hiện chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực: Giáo dục pháp luật, văn hóa, xã hội, thể thao, nghệ thuật, môi trường, sức khỏe, kinh tế, tài chính; các chương trình giáo dục kỹ năng; các chương trình chuyển giao công nghệ trong lao động, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp bao gồm: Bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho căn hộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi; bồi dưỡng thường xuyên giáo viên...
Trung tâm cũng có nhiệm vụ điều tra nhu cầu học tập, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất với sở GD&ĐT, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình giáo dục, đào tạo và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng.
Phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên khác trên địa bàn để thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục hỗ trợ khác theo nhu cầu của người học, của các nhà trường.
Thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; liên kết đào tạo đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT…
|
Ảnh minh họa/ITN.
|
Ban hành Điều lệ trường Cao đẳng sư phạm
Ngày 30/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 23/2022/TT-BGDĐT quy định Điều lệ trường CĐ sư phạm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2023.
Theo Thông tư, Điều lệ trường CĐ sư phạm quy định về: Mục tiêu và sứ mạng; nhiệm vụ và quyền hạn của trường CĐ sư phạm; tổ chức và quản lý trường CĐ sư phạm; tổ chức các hoạt động đào tạo; nhiệm vụ và quyền hạn của giảng viên, cán bộ quản lý và người học; tài chính và tài sản của trường CĐ sư phạm; quan hệ giữa trường CĐ sư phạm với gia đình người học và xã hội.
Trường CĐ sư phạm do Nhà nước thành lập để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trình độ CĐ và cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng và hiệu quả, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của địa phương và cả nước. Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng các trình độ của giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và nhu cầu về nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Mục tiêu và sứ mạng của trường CĐ sư phạm được cụ thể hóa trong kế hoạch và chiến lược phát triển của trường CĐ sư phạm, bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh
Ngày 22/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BGDĐT. Thông tư ban hành kèm danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trường CĐ sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/2/2023 và thay thế Thông tư số 01/2018/TT-BGDĐT ngày 26/1/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.