Trong 2 ngày 9 - 10/5, hơn 70 trẻ mầm non huyện Đô Lương nhập viện với biểu hiện ngộ độc thực phẩm.
Sau khi được cấp cứu, điều trị, sức khỏe trẻ đã ổn định, được xuất viện về nhà. Cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu phẩm gửi đi kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân.
Hơn 70 trẻ nhập viện sau khi ăn sữa chua tự ủ
Tối 9/5, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương tiếp nhận 55 trẻ Trường Mầm non xã Thuận Sơn với các biểu hiện nghi bị ngộ độc thực phẩm. Đến 3 giờ sáng ngày 10/5, bệnh viện tiếp nhận 2 trẻ đến cấp cứu. Ngoài ra, có hơn 20 cháu khác được phụ huynh đưa đến Trạm y tế xã để theo dõi sức khỏe.
Bác sĩ Lê Đức Hải, Giám đốc bệnh viện, thông tin, 57 trẻ đến viện đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, một số trường hợp sốt, biểu hiện mất nước. Ngay lập tức Bệnh viện Đa khoa Đô Lương đã huy động 50 y bác sĩ, điều dưỡng với trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, tổ chức cấp cứu điều trị tích cực cho các bệnh nhân.
Đồng thời hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử trí. Đến trưa 10/5, tất cả trẻ nghi ngộ độc thực phẩm đã ổn định sức khỏe, không còn đau bụng, ăn uống bình thường và xuất viện về nhà.
Theo ông Nguyễn Tất Tây, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đô Lương, Trường Mầm non Thuận Sơn có 354 trẻ ăn bán trú. Ngày 9/5, 304 trẻ đến trường, trong đó 267 trẻ mẫu giáo nhóm 3 - 5 tuổi, còn lại 37 cháu nhóm nhà trẻ. Sau bữa ăn trưa, trẻ đi ngủ và không có hiện tượng gì lạ.
Đến khoảng 15 giờ, trẻ ăn bữa phụ trong đó 37 cháu nhà trẻ có chế độ thực đơn riêng và không uống sữa. Còn 267 trẻ mẫu giáo uống sữa chua do nhà trường tự ủ (từ 17 giờ ngày 8/5 đến 15 giờ ngày 9/5) và không bảo quản qua tủ lạnh. Sau khi tan trường, đến 18 giờ 30 phút cùng ngày, lần lượt nhiều cháu có biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy… phải đưa đến cơ sở y tế cấp cứu.
Ngay trong đêm 9/5, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An nắm thông tin và trực tiếp đến Trạm y tế xã Thuận Sơn, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương để thăm hỏi, động viên tinh thần các cháu cũng như phụ huynh. Theo nhận định của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An, tất cả trường hợp trẻ nghi bị ngộ độc thực phẩm tại huyện Đô Lương đều ăn món sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều 9/5.
Các bé nhà trẻ trong bữa ăn giữa chiều không ăn món sữa chua và không ghi nhận có triệu chứng bất thường. Trước đó, trẻ nhà trẻ và mẫu giáo đều ăn bữa ăn trưa tại trường và không ghi nhận có triệu chứng bất thường. Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã tiến hành lấy 5 mẫu (gồm 1 mẫu sữa chua (mẫu thực phẩm) và 4 mẫu bệnh phẩm) gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để xác định nguyên nhân.
|
70 trẻ Trường Mầm non Thuận Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đến cơ sở y tế cấp cứu sau khi ăn sữa chua tại trường.
|
Tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm học đường
Vừa qua, đoàn kiểm tra xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu đã thu giữ nhiều sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc của các cửa hàng tạp hóa gần trường học trên địa bàn. Sau khi thu giữ, đoàn kiểm tra tổ chức tiêu hủy những sản phẩm trên với sự chứng kiến của giáo viên, học sinh tiểu học, THCS.
Đại úy Cao Văn Thịnh, Trưởng Công an xã Diễn Lâm, cho biết, hoạt động kiểm tra sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ là kế hoạch chung hằng năm của UBND huyện Diễn Châu. Năm nay đoàn kiểm tra được thành lập gồm có lãnh đạo, cán bộ công chức xã, cán bộ trạm y tế và lực lượng công an tổ chức kiểm tra một số cơ sở kinh doanh, bán mặt hàng thực phẩm gần khu vực trường học. Quá trình kiểm tra, đoàn đã thu giữ nhiều sản phẩm không nhãn mác, không hóa đơn, không nguồn gốc xuất xứ… và lập biên bản đối với chủ kinh doanh.
“Những năm trước, sau khi thu giữ, chúng tôi tiến hành tiêu hủy sản phẩm tại trụ sở xã. Tuy nhiên, năm nay, công an xã tổ chức thiêu hủy ngay bên cạnh trường tiểu học và THCS. Mục tiêu nhằm tuyên truyền nhận thức cho học sinh – đối tượng thường xuyên sử dụng những thực phẩm bánh kẹo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm này”, Đại úy Cao Văn Thịnh cho hay.
Theo Trưởng Công an xã Diễn Lâm, đông đảo học sinh, giáo viên được chứng kiến và cùng tham gia vào quá trình tiêu hủy. Qua đó, giúp các em nhận thức được những thực phẩm “bẩn”, nguy hại cho sức khỏe, từ đó không sử dụng các loại bánh kẹo, đồ uống này.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện và cảnh báo thường xuyên trong trường học tại Nghệ An. Tuy nhiên, một số trường hợp hi hữu vẫn xảy ra, học sinh có biểu hiện ngộ độc khi sử dụng một số sản phẩm được mua gần trường học. Cuối năm 2022, nhóm học sinh Trường Tiểu học Lê Mao (TP Vinh) có biểu hiện khó thở sau khi chơi súng đồ chơi mua trước cổng trường. Trước đó, nhiều học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (TP Vinh) từng bị đau bụng, nôn… sau khi uống nước ngọt đóng chai do người lạ phát trước cổng trường.
Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh, cho biết, phòng thường xuyên yêu cầu trường học trên địa bàn nhắc nhở học sinh không sử dụng đồ uống, đồ chơi không rõ nguồn gốc bày bán ngoài cổng trường. “Chúng tôi cũng có ý kiến, đề nghị chính quyền địa phương, công an, quản lý thị trường phối hợp với ngành Giáo dục và nhà trường kiểm soát hàng hóa trước cổng trường học. Đồng thời nhắc nhở, tuyên truyền học sinh, phụ huynh không mua và sử dụng đồ chơi, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ”, bà Thảo thông tin.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, cũng khẳng định, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong và xung quanh trường học được ngành Giáo dục nhiều lần cảnh báo đến các đơn vị. Về sự việc hơn 70 trẻ Trường Mầm non Thuận Sơn, Đô Lương ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân đang được các cơ quan chuyên môn, chức năng điều tra, xác định.
Qua sự việc này, Sở GD&ĐT Nghệ An lưu ý các trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm vào bếp ăn. Đặc biệt, hiện Nghệ An đã bước vào mùa Hè, thời tiết nắng nóng, trong quá trình chế biến, bảo quản cần tuân thủ các quy định, quy tắc an toàn thực phẩm.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An, đề nghị các huyện, thành thị tăng cường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn. Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả thôn, xóm và người dân, người lao động về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.