Theo quy định, các cơ sở giáo dục đại học có thể tổ chức đào tạo một phần theo hình thức trực tuyến nhưng tối đa không vượt quá 30% tổng khối lượng học tập của chương trình đào tạo. Quy định trên đã và đang mang lại nhiều thuận lợi trong giảng dạy, học tập và thi cử cho sinh viên.
Linh hoạt tổ chức
Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã ra mắt hệ thống thi trực tuyến UEH. Theo đó, kể từ tháng 10/2022, thi trực tuyến (online) là hình thức chủ yếu trong hoạt động khảo thí tại UEH. Đây là nỗ lực chủ động chuyển đổi số, thích ứng nhanh với các yêu cầu trong công tác đào tạo trước bối cảnh mới của nhà trường.
Theo TS Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng UEH, các hình thức thi và nền tảng công nghệ thi trực tuyến được áp dụng tại UEH gồm: Trắc nghiệm trực tuyến trên LMS (LMS-TNOL); Trắc nghiệm trực tuyến trên phần mềm UEH (TNOL-UEH); Tự luận trực tuyến trên LMS (LMS-TLOL); Trắc nghiệm và tự luận trực tuyến trên LMS (LMS-TNTLOL); Vấn đáp trực tuyến (VDOL); Tiểu luận có thuyết trình trực tuyến (TLTTOL).
Quy trình tổ chức thi trực tuyến có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị (Phòng Kế hoạch đào tạo - Khảo thí, Công nghệ thông tin, Thanh tra - Pháp chế, các đơn vị đào tạo, đơn vị quản lý đào tạo) trong mọi công tác như: Tạo đề thi/ca thi; tạo MS Teams; phân bổ, phân công cán bộ coi thi, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, tiếp nhận thông tin, thư ký, lãnh đạo trực điểm thi… nhằm đảm bảo công tác thi được nghiêm túc nhất.
Tại Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, theo chia sẻ của TS Ngô Thị Kim Liên, các mô hình blended learning (học và kiểm tra trực tuyến) được lựa chọn và triển khai rất linh hoạt. Mô hình này được thực hiện kết hợp với một tỷ lệ nhất định theo từng học phần, môn học và có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ áp dụng.
“Hiện có 4 mức độ để áp dụng mô hình dạy học blended learning gồm: Người dạy và người học gặp gỡ trong lớp học truyền thống và sử dụng công nghệ đơn giản như email, web cho bài giảng điện tử. Người dạy và người học gặp gỡ trong lớp học truyền thống và sử dụng các công nghệ cao như mô phỏng, video số, trợ giảng số. Người dạy và người học gặp gỡ online, sử dụng công nghệ đơn giản như CMS, bảng tin điện tử. Người dạy và người học gặp gỡ online, sử dụng đa công nghệ vừa đồng bộ và phi đồng bộ phức tạp như blog, wiki, video conferencing…
Mô hình học tập blended learning diễn ra ở ba không gian khác nhau là trên lớp, ở nhà và trên hệ thống trực tuyến, do đó sinh viên và giảng viên tương tác học tập, thậm chí thi cử trực tuyến rất dễ dàng”, TS Liên nói.
|
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số được các trường đại học tổ chức thường xuyên.
|
Cần nhiều thời gian để thành thói quen
Việc cho sinh viên thi dưới hình thức trực tuyến được Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM triển khai từ lâu, nhưng theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, tỷ lệ sinh viên thi trực tuyến của các khoa, các khóa học vẫn còn thấp.
“Thi trực tuyến chỉ được thực hiện khi khoa, giảng viên cảm thấy học phần đó phù hợp; mô thức thi, giải pháp đảm bảo an toàn, không gian lận và sinh viên mong muốn thì trường sẽ tổ chức trên hệ thống thi trực tuyến. Hiện việc thi trực tuyến tại trường để kết thúc học phần, tín chỉ đào tạo vẫn còn khá thấp, hình thức thi kiểm tra, đánh giá vẫn là trực tiếp”, PGS.TS Bùi Hoài Thắng nói.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) cho biết: Việc các trường chưa đẩy mạnh chuyển đổi thi trực tiếp sang thi trực tuyến hoàn toàn ngoài quy định còn có nhiều lý do khác như hạ tầng công nghệ, công tác giám sát, chống gian lận, khả năng thích ứng của sinh viên và giảng viên với hình thức thi trực tuyến….
“Tùy theo môn và học phần thi, sinh viên được cho dùng tài liệu tham khảo thoải mái khi thi đề mở. Còn nếu thi dưới hình thức thi trắc nghiệm hay tự luận sẽ được tổ chức và giám sát qua hệ thống camera trực tuyến kết nối trong phòng thi với giám thị coi thi.
Tổ chức thi trực tuyến, giám thị và người ra đề thi làm việc vô cùng vất vả. Bởi mỗi phòng thi 2 giám thị phải theo dõi rất kỹ 35 - 40 sinh viên (thông qua camera tổng), nếu không sẽ có gian lận xảy ra ngay. Vì vậy, trường luôn khuyến khích giảng viên ra đề thi dưới dạng mở”, ThS Sơn nói.
Thực tế dù thi trực tiếp hay trực tuyến thì vẫn có sinh viên vi phạm quy chế. Để kiểm soát tính trung thực, nghiêm túc cho các kỳ thi trực tuyến, công tác tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giám sát thi từ xa cho giám thị được các trường đặc biệt lưu ý.
PGS.TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM nhìn nhận, tổ chức học và thi trực tuyến là xu hướng không thể khác trong bối cảnh các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Hoạt động kiểm tra đánh giá và thi trực tuyến đã được nhiều trường triển khai nhưng vẫn ở mức độ hạn chế, phần lớn mới chỉ ở môn học, học phần phù hợp với yêu cầu từ sinh viên, giảng viên và khoa. Còn việc chuyển hoạt động thi trực tiếp hoàn toàn sang trực tuyến vẫn là bài toán mà các trường đang cân nhắc, tính toán vì cần nhiều điều kiện đi kèm.
“Để hạn chế những vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình tổ chức thi trực tuyến, nhà trường đã tập huấn rất kỹ bằng mô phỏng hình thức thi thực tế để thầy cô có thể nhận diện các dấu hiệu và yếu tố có thể dẫn đến vi phạm quy chế thi của thí sinh. Song song đó, trường, các khoa cũng thành lập quy chế thi trực tuyến một cách nghiêm ngặt như sinh viên phải mở camera trong suốt quá trình thi, bài thi của sinh viên sẽ được lưu trên hệ thống dữ liệu của nhà trường để hậu kiểm.
Trong quá trình thi, nếu thí sinh vi phạm nội quy và quy chế thi trực tuyến mà giám thị phát hiện (vào phòng thi trễ, camera không mở, mic không hoạt động, có người thứ 2 trong phòng thi khi đã phát đề) sẽ bị cảnh cáo, nặng hơn là đình chỉ thi.
Tuy nhiên, điều khoản mà các trường đưa ra để kiểm soát các hành vi gian lận trong thi cử chỉ có thể giám sát phần nào ý thức học tập của người học, cũng như đảm bảo mục tiêu chất lượng đào tạo. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của từng sinh viên, bởi một khi có mục đích gian lận thì các em sẽ tìm mọi cách”, PGS.TS Trần Hoàng Hải nói.
“Tổ chức thi theo hình thức trực tuyến tại UEH cho học kỳ cuối 2022 được xây dựng kế hoạch với những quy định triển khai chặt chẽ, đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ; đánh giá công bằng, chất lượng trong công tác đào tạo của nhà trường. Điều này thể hiện nỗ lực chuyển đổi số của UEH hướng đến đại học thông minh cũng như ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra mà không gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập”, TS Hùng nói.