Ngày 30/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị Công tác pháp chế quý I năm 2023 về chuyên đề xây dựng pháp luật.
Báo cáo về công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT quý I năm 2023, bà Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, chia sẻ: Về cơ bản, văn bản quy phạm pháp luật do Bộ GD&ĐT ban hành tuân thủ các quy định của pháp luật, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình điều hành của Bộ.
Nội dung các văn bản phù hợp với văn bản cấp trên như Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; các Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, các Bộ, ngành có liên quan ban hành.
Thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).
Chương trình soạn thảo văn bản của Bộ được ban hành từ tháng 12 năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị chủ trì soạn thảo chủ động trong việc soạn thảo văn bản. Căn cứ vào Chương trình soạn thảo văn bản của bộ, Vụ Pháp chế phân công lãnh đạo Vụ và chuyên viên theo dõi, góp ý, thẩm định văn bản và gửi các đơn vị nhằm đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai theo dõi, đôn đốc và tổ chức soạn thảo văn bản.
Theo bà Mai Thị Anh, thủ trưởng các đơn vị đã chủ động, tập trung nguồn lực cho việc triển khai thực hiện công tác soạn thảo văn bản; công tác phối hợp giữa đơn vị chủ trì soạn thảo với các đơn vị của cơ quan thẩm định, thẩm tra đã được quan tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ văn bản.
Tuy nhiên, việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT còn vấp phải một số khó khăn như kinh phí cho công tác soạn thảo văn bản còn hạn chế.
Đối với nhiệm vụ soạn thảo văn bản của Bộ GD&ĐT quý II năm 2023, đại diện Vụ Pháp chế đề xuất một số kiến nghị như: Các đơn vị tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan của dự án, dự thảo; làm việc với chuyên gia, các nhà khoa học dưới các hình thức thích hợp. Đồng thời, khi soạn thảo văn bản cần có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị, cơ quan có liên quan đảm bảo thời gian góp ý, thẩm định văn bản...