Sáng kiến thực sự có giá trị khi được đúc kết từ thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng dạy - học.
Song hiện nay hầu hết sáng kiến chỉ nhân rộng trong phạm vi trường học, chưa trở thành tài liệu tham khảo chung cho cộng đồng giáo viên như giáo án E-learning.
Khuyến khích đi kèm khen thưởng
Cô giáo Trần Minh Thùy, tổ trưởng chuyên môn, Trường Tiểu học Núi Thành cho biết: “Dù không bắt buộc viết sáng kiến nhưng đây là quyền lợi của giáo viên, nhân viên nhà trường. Xếp loại sáng kiến sẽ cộng điểm vào thi đua viên chức cuối năm. Vì vậy, nếu giáo viên không tham gia thì điểm số đánh giá sẽ ít.
Chưa kể việc giảng dạy hàng ngày, gần như giáo viên nào cũng có những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học, rèn luyện phẩm chất, năng lực học sinh. Có thể giải pháp chỉ áp dụng trong phạm vi lớp học hoặc một nhóm học sinh cụ thể, nhưng đó vẫn là sáng kiến”.
Dù ngành GD&ĐT không bắt buộc giáo viên phải viết sáng kiến, nhưng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã đưa việc này vào quy chế nội bộ. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng cho biết: “Quan điểm của nhà trường là sáng kiến không cần phải đề cập đến những giải pháp, vấn đề to tát, có tầm ảnh hưởng lớn. Nó có thể chỉ là những kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học và công việc đã được ứng dụng… để tạo ra thay đổi tích cực”.
Vì vậy, các tổ chuyên môn, văn phòng… của trường đều có hội đồng chấm sáng kiến hàng năm. Những đề tài gửi đi dự thi cấp quận, thành phố đều được “lọc” qua hội đồng cấp cơ sở, đồng nghiệp tư vấn, góp ý bổ sung, điều chỉnh.
Theo thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), với giáo viên có sáng kiến đạt giải cao, tầm ảnh hưởng đối với thành phố… thì cũng là căn cứ để nâng lương trước thời hạn. Nhà trường xây dựng cơ chế khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên có sáng kiến chất lượng tốt, đạt giải ở các cấp.
Cùng quan điểm như vậy, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) cho rằng, dù có chế tài khen thưởng cùng sự động viên, khuyến khích, nhưng chất lượng sáng kiến đến đâu thì hầu như tùy thuộc vào tâm huyết, nỗ lực từng giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Phương Lệ, giảng dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) có nhiều sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học đã được nhận rộng và truyền cảm hứng cho nhiều đồng nghiệp.
Đặc biệt, năm học 2014 - 2015, cô Lệ còn tham gia biên soạn cuốn tài liệu “Giáo dục biến đổi khí hậu trong môn Giáo dục công dân cấp THPT” và cuốn “Giáo dục biến đổi khí hậu qua các hoạt động ngoại khóa cấp THPT” được thẩm định và đưa vào sử dụng trong các năm học qua trên địa bàn thành phố.
Năm học 2018 - 2019, sáng kiến “Xây dựng và sử dụng hệ thống phiếu học tập để tổ chức hoạt động hình thành kiến thức mới trong môn Giáo dục công dân lớp 10” của cô Lệ được Sở GD&ĐT xếp loại A, đưa vào sử dụng rộng rãi tại các trường học, phát huy tính tích cực, hứng thú của học sinh trong các giờ học. Bằng những nỗ lực và lòng yêu nghề, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lệ luôn truyền cảm hứng cho đồng nghiệp tại trường.
|
Giáo viên Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến đạt giải trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố.
|
Cần xây dựng ngân hàng dữ liệu dùng chung
Thư viện Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) có khu vực lưu trữ các sáng kiến của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng cho biết: “Các sáng kiến được giải từ cấp trường trở lên, nhà trường đều yêu cầu giáo viên nộp thêm một bản để lưu trữ, trở thành tài liệu tham khảo chung của các tổ chuyên môn”.
Ở Trường Tiểu học Núi Thành, ngoài thẩm định ở vòng sơ loại của hội đồng cấp tổ thì các sáng kiến đạt giải cấp quận, thành phố… đều được chia sẻ, phổ biến tại cuộc họp các tổ chuyên môn.
Tuy nhiên, cô Kim Vân nhận xét rằng, rất khó để giáo viên trường này có thể tiếp cận, học hỏi từ những sáng kiến đạt giải cao của giáo viên trường bạn. “Các thầy cô chỉ có thể trao đổi, học tập sáng kiến của nhau dựa trên các mối quan hệ cá nhân. Hiện nay, Sở GD&ĐT chỉ công bố danh sách, tên đề tài sáng kiến được giải cao. Chưa có một kênh nào để giáo viên có thể tham khảo, học tập sáng kiến đồng nghiệp”, cô Kim Vân cho biết.
Thầy Lê Mạnh Tấn, giảng dạy môn Sinh học, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) cho rằng, sáng kiến bao giờ cũng có tính mới và đó là những nghiên cứu ứng dụng, lí thuyết dạy học của giáo viên vào thực tế. Đối với nhà giáo, đây còn được coi như hình thức nghiên cứu, tự học để phát triển chuyên môn, hoàn thiện năng lực sư phạm.
Vì vậy, rất cần xây dựng một ngân hàng dữ liệu để cộng đồng giáo viên có thể chia sẻ, học tập kinh nghiệm, phương pháp dạy học của nhau nhằm góp phần nâng cao chất lượng. Với giáo viên trẻ, việc tiếp cận các sáng kiến của đồng nghiệp cũng giúp họ bớt những bỡ ngỡ, lúng túng trong thời gian đầu bước vào công việc dạy học, khi chưa tích lũy được kinh nghiệm đủ nhiều.
Nhiều giáo viên cho rằng, việc xây dựng ngân hàng dữ liệu sáng kiến, công bố công khai cũng sẽ hạn chế được tình trạng giáo viên viết sáng kiến một cách đối phó. “Trên mạng, rất nhiều trang web đã đăng tải một số đoạn trích sáng kiến, tiểu luận… của giáo viên, cán bộ quản lý ngành Giáo dục mà muốn tải về để tham khảo thì người dùng buộc phải mua.
Nếu ngành GD&ĐT công khai các dữ liệu sáng kiến thì sẽ không có tình trạng mua – bán như hiện nay, giáo viên buộc phải đầu tư nghiêm túc khi viết sáng kiến chứ không thể cắt dán từ những sản phẩm trôi nổi trên mạng” – cô Minh Thùy nêu ý kiến.