Để một năm học mới thành công, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên sử dụng SGK mới có vai trò quan trọng, quyết định cho chất lượng dạy học.
Tiền đề quan trọng
Năm học 2023 - 2024, năm học đầu tiên Chương trình GDPT được áp dụng với học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên cả nước. Từ tháng 12/2022, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới của các khối lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
Căn cứ danh mục này, các địa phương tổ chức cho cán bộ, giáo viên các nhà trường tìm hiểu và lựa chọn sách từng môn cho phù hợp với điều kiện thực tế từng trường học, địa bàn. Được tiếp cận, nghiên cứu sách giáo khoa là bước quan trọng để nắm bắt được về sách giáo khoa mới, sau đó cùng với việc tập huấn sử dụng sách giúp thầy cô tự tin, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa trong dạy học.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Nhằm giúp đội ngũ nhà giáo tiếp cận đầy đủ về SGK mới, Sở đã tổ chức giới thiệu toàn bộ SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trong danh mục đến cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Công tác giới thiệu SGK mới đảm bảo khách quan, trung thực, đầy đủ. Các nhà trường cũng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá nghiêm túc các bộ SGK mới.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội phê duyệt danh mục SGK lớp 4, lớp 8, lớp 11 để đưa vào sử dụng ở các nhà trường từ năm học 2023 - 2024. Thời gian tới, Sở GD&ĐT Hà Nội và các nhà trường sẽ phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn chương trình sách giáo khoa mới cho cán bộ giáo viên theo hình thức trực tuyến. Công tác tập huấn được thực hiện đảm bảo chất lượng với tinh thần cầu thị, nghiêm túc và trách nhiệm cao.
Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho biết: Sau khi được tham gia các buổi tập huấn giới thiệu SGK các môn học lớp 4 và được quán triệt các văn bản hướng dẫn, tại hội nghị cấp tổ, mỗi cá nhân giáo viên đọc, nghiên cứu file mềm bản mẫu SGK của môn học thuộc chuyên môn giảng dạy, hoàn thành bản nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của cá nhân.
Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu cấu trúc, nội dung của từng bộ sách chính là điều kiện thuận lợi để giáo viên có cái nhìn thật cụ thể, chi tiết và là một trong những hoạt động có ý nghĩa giúp các cán bộ quản lý cũng như đội ngũ giáo viên tiểu học đảm bảo kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng tâm thế triển khai dạy học SGK lớp 4 theo Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ năm học 2023 - 2024.
|
Giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Khắt, Mù Cang Chải tham dự tập huấn sách giáo khoa. Ảnh: NTCC |
Sẵn sàng tập huấn giáo viên
Cô Vũ Kim Loan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Hà Đông, Hà Nội) - cho biết: Là năm thứ 4 tiến hành việc lựa chọn sách giáo khoa và tập huấn sách giáo khoa nên nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm. Dù tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhưng đều đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Giáo viên tham gia tập huấn qua ứng dụng Google Meet và Zoom Meeting rất ổn định, không gặp sự cố.
Để đảm bảo cho đợt tập huấn đạt kết quả tốt, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất gồm 1 phòng học cho giáo viên cơ bản, 1 phòng học cho giáo viên chuyên biệt, các phòng đều có đủ trang thiết bị, hạ tầng kĩ thuật. Đồng thời, nhà trường phân công nhân viên phụ trách CNTT trực trong tất cả các buổi học trực tuyến để hướng dẫn giáo viên, kịp thời khắc phục những sự cố kĩ thuật nếu có.
Việc tổ chức tập huấn trực tuyến mang lại nhiều lợi ích khi giáo viên được kết nối với tác giả của cuốn sách, được các tác giả hướng dẫn cách sử dụng, nêu rõ những điểm mới của các bộ SGK, việc khai thác kênh hình, kênh chữ, tổ chức các hoạt động, cách phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh, đồng thời được nêu quan điểm của mình về hiệu quả của những bộ sách.
Thầy Hoàng Minh Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) - cho hay, để thực hiện tập huấn cho giáo viên, nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất, đường truyền, tạo điều kiện tốt nhất cho phương thức tập huấn qua mạng Internet.
Tuy nhiên, việc tập huấn trực tuyến đôi khi vẫn bị lỗi kỹ thuật do đường truyền, khiến nhiều giáo viên chưa tiếp thu đầy đủ nội dung cuốn sách. Do đó, nhà trường đề xuất sẽ có thêm một số buổi bồi dưỡng trực tiếp để giáo viên có điều kiện lĩnh hội nhiều kiến thức hơn. Cùng với đó, việc tương tác giữa giáo viên và tác giả của các bộ sách cũng thuận tiện hơn.
Ông Vương Trường Quân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Bình Định), cho hay, trong 3 năm qua, hoạt động tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên được Sở tổ chức linh hoạt cả bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo cho giáo viên được tập huấn hiệu quả nhất. Giáo viên không qua tập huấn hiệu quả sẽ không được bố trí đứng lớp.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam - cho biết: NXB Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, lịch trình tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên sử dụng SGK lớp 4, 8, 11 và cán bộ quản lý trên địa bàn tất cả các tỉnh/thành phố bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp.
Để đáp ứng được các yêu cầu về mặt kĩ thuật, đảm bảo chất lượng (hình ảnh, âm thanh, tương tác giữa báo cáo viên và người nghe...) tại các buổi tập huấn trực tuyến, NXB Giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị hệ thống 30 phòng studio đạt tiêu chuẩn. NXB Giáo dục Việt Nam cũng tổ chức test kỹ thuật với tất cả điểm cầu địa phương trước ngày tổ chức chính thức…