Từ kết quả đạt được và hạn chế trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Kết quả thi phản ánh khách quan
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024 sáng 20/9, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã báo cáo kết quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Kết quả này được thông tin toàn diện; từ công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp; tổ chức đăng ký dự thi; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; công tác ra đề, in sao, vận chuyển đề thi; công tác phòng chống gian lận công nghệ cao; hỗ trợ thí sinh tham dự kỳ thi; công tác coi thi, chấm thi; công bố kết quả thi..
Trong đó, Hội đồng ra đề thi thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện đáp ứng yêu cầu tổ chức thi, đúng tiến độ kế hoạch. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; được bảo mật từ khâu ra đề thi đến in sao bảo quản.
Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, rõ ràng, bảo đảm số lượng. Các sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi bảo đảm an toàn, bảo mật theo đúng quy định.
Theo đánh giá của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận các ý kiến phản ánh về đề thi một số môn thi; yêu cầu các tổ ra đề của Hội đồng ra đề thi rà soát để có giải trình cụ thể. Kết quả rà soát cho thấy đáp án của đề thi các bài/môn thi không thay đổi, ngoại trừ việc chấp nhận có hai đáp án đúng trong một câu hỏi của đề thi bài thi môn tiếng Anh.
Đối với đề thi môn Lịch sử do khai thác ngữ liệu sách giáo khoa hiện hành chưa thật chặt chẽ trong một câu hỏi nhưng về cơ bản nội dung hỏi vẫn bảo đảm đúng mục đích và cấp độ đánh giá nên không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh.
Theo đúng tiến độ tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã công bố đáp án chính thức môn thi tự luận vào ngày 1/7/2023 và công bố đáp án các môn thi trắc nghiệm vào ngày 3/7/2023, bảo đảm đúng quy định của quy chế và phục vụ kịp thời công tác chấm thi của các Hội đồng thi.
|
Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ kỳ thi năm 2024.
|
Đúng 8 giờ ngày 18/7/2023 các Hội đồng thi đã công bố kết quả thi trên các website của sở GD&ĐT tỉnh/thành phố. Bộ GD&ĐT đồng thời công bố điểm thi trên hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT của Bộ.
Việc công bố kết quả diễn ra an toàn, thuận lợi, chính xác với số lượng truy cập rất lớn (thời điểm cao nhất lúc 8 giờ 5 phút ngày 18/7/2023 là 190 ngàn lượt truy cập).
Sau khi công bố kết quả thi, các địa phương thực hiện việc xét công nhận tốt nghiệp và triển khai phúc khảo bài thi cho thí sinh có đề nghị theo quy định của Quy chế.
Qua phân tích phổ điểm cho thấy: các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi so với năm 2022; đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp. Kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền: các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi đạt kết quả cao hơn; các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ có kết quả cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây bắc, một số tỉnh Tây Nguyên…
Phổ điểm năm nay cùng hai năm trước tương đối ổn định. Điều này nói lên việc ra đề của Bộ GD&ĐT khá chắc chắn, tạo sự ổn định cho xã hội, cho học sinh, phụ huynh cũng như công tác xét tuyển vào đại học.
Các môn Toán, Vật lí, Hóa học, phổ điểm không thay đổi so với các năm trước. Môn Giáo dục công dân có nhiều điểm khá giỏi thể hiện năng lực của học sinh, sự quan tâm đến xã hội và hiểu biết về giáo dục công dân của học sinh đã tốt hơn.
Từ kết quả kỳ thi cho thấy sự ổn định và dần dần đã có những cải tiến để đạt hiệu quả tốt hơn. Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc là 98,88%.
|
Số liệu chung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
|
5 bài học kinh nghiệm
Bên cạnh kết quả đạt được, PGS Huỳnh Văn Chương cũng chia sẻ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Cụ thể, trong quá trình coi thi, còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế thi (sử dụng điện thoại trong khu vực thi) và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình khi coi thi.
Việc điều động giảng viên, giáo viên thực hiện nhiệm vụ quốc gia trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, ra đề thi còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác ra đề thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi.
Một số sở GD&ĐT chưa thực sự chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền, vẫn còn tình trạng xin ý kiến Bộ GD&ĐT những công việc thuộc phạm vi và thẩm quyền của các sở GD&ĐT.
Từ thực tiễn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 5 bài học kinh nghiệm được Bộ GD&ĐT rút ra như sau:
Thứ nhất: Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương cùng với nỗ lực của toàn ngành Giáo dục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức thành công, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi, tuyển sinh.
Thứ 2: Công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi từ Trung ương tới các địa phương đã được triển khai đồng bộ, rõ trách nhiệm, rõ việc từng khâu, từng bước, hiệu quả.
Bộ GD&ĐT đã phân cấp mạnh đến các địa phương trong công tác tổ chức thi. Trong đó, Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi, thực hiện ra đề thi và thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu thi đồng bộ và thuận lợi cho nhiều mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm.
Các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện công tác tổ chức kỳ thi trên địa bàn từ khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, công bố điểm thi xét công nhận tốt nghiệp và xác thực hồ sơ thí sinh.
Thứ 3: Công tác phối hợp, kết nối chặt chẽ, thường xuyên giữa Ban Chỉ đạo cấp quốc gia với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương đã bảo đảm chỉ đạo thống nhất, thông suốt để tổ chức thi nghiêm túc, an toàn ở từng Hội đồng thi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc. Sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, kịp thời giữa Bộ GD&ĐT với các Bộ ngành liên quan nhất là Bộ Công an, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Điện lực, Thông tin truyền thông, Giao thông, Ban tuyên giáo,…
Thứ 4: Trách nhiệm toàn diện của UBND các địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Các địa phương đều có phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để tổ chức kỳ thi.
Đặc biệt là sự chủ động của Sở GD&ĐT trong chủ trì tham mưu chỉ đạo tổ chức thi, tăng cường huy động các sở, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức kỳ thi cùng với nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và sự đồng thuận, ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội đã bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Thứ 5: Công tác truyền thông nhanh chóng, kịp thời trong toàn ngành và toàn xã hội về Kỳ thi với sự đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương; việc phổ biến, quán triệt sâu rộng mục đích tổ chức thi và quy chế, hướng dẫn thi cho những người tham gia tổ chức thi và thí sinh đã góp phần quan trọng làm nên thành công của kỳ thi.